Ngày xuân nói chuyện… lì xì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cứ sáng sớm ngày mùng Một Tết, dẫu tối qua có ráng thức đến quá nửa đêm để đón Giao thừa hoặc náo nức ngắm pháo hoa sáng trời thì đám trẻ con trong gia đình cũng cố dậy sớm, mặc quần áo mới, nôn nóng nhận phong bao lì xì từ người lớn.
Hình ảnh bọn trẻ xúng xính vòng tay sắp hàng trước ông bà, cha mẹ chờ nhận chiếc phong bao màu đỏ rồi mở lời chúc đầu năm đến các bậc sinh thành là một phong tục đẹp. Lì xì hay mừng tuổi có nguồn gốc từ Trung Quốc, hai chữ lì xì là do người Việt đọc trại từ nguyên ngữ “lợi thị” mà ra. Lợi thị có nghĩa là được lợi (tiền tài, may mắn). Theo quan niệm chính thống về phong tục này thì khi lì xì, người cho lẫn người nhận đều sẽ được phát tài, phát lộc trong năm mới. Số tiền trong phong bao không quan trọng, thậm chí chỉ là tờ bạc mệnh giá thấp nhất, nhưng dứt khoát phải là tiền mới còn thơm mùi mực.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cuộc sống phát triển, kim tiền thắng thế, cái ý nghĩa ban đầu dần chẳng còn như trước. Tiền lì xì bỗng trở thành một khoản... thu nhập được tính toán mỗi dịp Tết về. Trẻ con mở phong bao “kiểm tra” tùy tiền nhiều hay ít mà thần thái cũng… biến đổi theo. Có cả quyết toán sau Tết đấy, nhà nào có con chưa biết xài tiền, giao cho mẹ giữ là phải tính thiệt hơn, cái hiệu số phần người ta lì xì con mình và phần mình lì xì con người ta mà dương thì lấy làm hỉ hả, âm thì phải tính Tết sau sao cho có lãi. Mấy cô lớn tướng đã đi làm, thậm chí có gia đình, có con rồi vẫn cứ đòi mừng tuổi.
Cái khoản “lì xì” đáng sợ nhất là… giá cả, chẳng chờ đến lúc qua Giao thừa, cứ 23 tháng Chạp trở đi, vào quán quen ăn bát phở hoặc làm mới mái tóc là cứ bị “cưỡng bức” phải trả thêm không dưới 20% giá bình thường, hễ có ý kiến là được trả lời: Tết mà! Cái giá kèm khoản lì xì ấy sẽ được duy trì đến Tết sau, chuyện hạ giá thì phải chờ đến… Tết Congo.
Một ông chủ doanh nghiệp sau mấy năm làm ăn phát đạt bỗng rơi vào tình trạng thua lỗ, tháng giáp Tết chạy bở hơi tai mới có tiền trả lương cho công nhân, dĩ nhiên chẳng có tháng thưởng nào, nhưng cứ phải thu xếp bằng được một khoản lì xì cho anh em. Ông chia sẻ: “Đó là tình cảm giữa tui với những người làm công cho mình, còn quan hệ bên ngoài nữa! Không thể không có, mình còn làm ăn mà...”. Còn nữa, dù năm nào Nhà nước cũng cảnh báo và cấm chuyện quà cáp mà có giảm được đâu, khó lắm! Thành lệ mất rồi...
Phong tục tập quán bị biến tướng, đội lốt nhiều lắm, lì xì càng dễ được sử dụng để che đi cái bản chất của quan hệ cho-nhận. Nhưng dù sao chăng nữa, lì xì vẫn cứ lao xao mỗi dịp Tết. Vẫn còn đó nhiều người cho lộc và nhiều người nhận lộc tin vào ý nghĩa tâm linh ban đầu của phong tục rất hay này.
Sơn Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.
Kinh nghiệm chọn mai Xuân

Kinh nghiệm chọn mai Xuân

(GLO)- Tết đến Xuân về, ai cũng muốn chọn được một cây mai có dáng thế đẹp với mong ước một năm mới nhiều may mắn. Tuy nhiên, cách chọn cây thì không phải ai cũng tường tận.