Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.
Chậu kiểng từ lâu vốn là một vật dụng không thể thiếu đối với người trồng hoa và cây cảnh, góp phần tăng thêm giá trị lẫn vẻ đẹp của cây. Tùy vào đặc trưng, kiểu dáng của cây và hoa mà có nhiều loại chậu với những kích cỡ khác nhau. Thời điểm các nhà vườn bắt đầu xuống giống hoa Tết cũng là lúc những xưởng kinh doanh chậu tất bật vào vụ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của người trồng và chơi hoa kiểng.
 Nghề làm chậu kiểng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nhưng cần sự tinh tế và sáng tạo nơi người thợ. Ảnh: H.T
Nghề làm chậu kiểng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nhưng cần sự tinh tế và sáng tạo nơi người thợ. Ảnh: H.T
Cách đây hơn chục năm, anh Trương Trọng Tôn-chủ cơ sở cây cảnh Trọng Tôn (326 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) bắt đầu tập tành học đúc chậu kiểng. “Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, song khi bắt tay vào làm mới thấy để đúc được một chậu kiểng hoàn chỉnh cũng cần lắm công phu, nhất là công đoạn đắp nòng cát, trộn hồ, nếu không đúng quy trình và kỹ thuật chậu sẽ vỡ ngay. Nghề làm chậu kiểng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nhưng lại rất cần sự tinh tế và sáng tạo; sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng, có độ bền cao. Mất 6 tháng trời, sau nhiều lần thất bại, tôi mới có thể làm nghề thành thục và mở cơ sở kinh doanh”-anh Tôn nhớ lại.
Nguyên-vật liệu chính để đúc chậu kiểng là cát và xi măng. Để làm nên một sản phẩm hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên người thợ phải ốp đắp nòng cát định hình kích thước chậu, sau đó trộn hồ với tỷ lệ vừa đủ đổ lên bầu cát; khi hồ ráo mặt, tiếp tục trộn hồ dầu (tức nước xi măng tạo độ láng bóng-N.V) và quay theo hình chậu. Nếu muốn chiếc chậu bắt mắt hơn, người thợ sẽ tiến hành đắp hoa văn nổi trang trí lên chậu sau bước quay hồ dầu, dựa trên sự sáng tạo của chính mình chứ không có một khuôn mẫu nào nhất định. Chậu vừa đúc để khô một ngày mới lấy ra khỏi nòng cát, đem đi cắt miệng, mài mịn rồi sơn màu là hoàn thiện. Theo anh Tôn, giá chậu kiểng tùy vào đường kính chậu. Hiện cơ sở anh đang sản xuất khoảng 20 loại chậu kích cỡ khác nhau, từ 60 cm đến 1,8 m với nhiều kiểu dáng như: tròn, bát giác, chữ nhật, hạt xoài, tứ giác… Giá bán dao động từ 60.000 đồng đến 10 triệu đồng/chậu hoặc bộ chậu có cả đôn.
Với 4 nhân công, trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh Tôn đúc được tầm 40 chậu lớn nhỏ. Vào dịp Tết, đơn đặt hàng nhiều hơn, vì thế cả xưởng tập trung làm việc hết công suất. Sản phẩm của cơ sở được anh Tôn phân phối chủ yếu cho thị trường Pleiku và các huyện lân cận như: Đak Đoa, Chư Prông, Đức Cơ…
Hơn 20 năm gắn bó với nghề đúc chậu kiểng, ông Nguyễn Văn Huyên-chủ vườn hoa, cây cảnh Thanh Huyền (286 Lê Duẩn, TP. Pleiku) vui vẻ cho hay: “Năm 1993, tôi mang nghề cùng với niềm đam mê cây cảnh từ quê nhà Nam Định vào Gia Lai lập nghiệp. Sau vài năm ổn định, tôi mở cơ sở chuyên mua, bán các loại hoa, cây cảnh, non bộ, cây công trình, đồng thời đúc chậu kiểng để bán. Dù sản xuất chậu bây giờ vẫn bằng phương pháp quay tay thủ công nhưng so với việc quay trục, đắp khuôn gỗ trước đây đã nhàn hơn rất nhiều. Tùy kích cỡ đường kính (từ 60 cm đến 3 m), giá chậu chúng tôi bán ra thị trường dao động ở mức 100.000 đồng đến 6 triệu đồng/cái”.
Các cơ sở đúc chậu kiểng tất bật hơn mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Hồng Thi
Các cơ sở đúc chậu kiểng tất bật hơn mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Hồng Thi
Theo chia sẻ của các chủ cơ sở, ngày nay, ngoài loại chậu chỉ làm đơn giản bằng cát và xi măng, khách hàng còn ưa chuộng những dòng chậu đúc xi măng bên trong có cốt thép để trang trí, phối cảnh non bộ. Thêm vào đó, cùng với màu sơn đỏ hay xám thường thấy, chậu kiểng bây giờ còn được các cơ sở phủ sơn giả đá hoặc giả đồng kèm theo nhiều họa tiết, hoa văn trang trí tinh tế, bắt mắt như: cây tùng, cây bách, mai-đào-cúc-trúc, phong cảnh núi non, sông nước… nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người chơi hoa, cây cảnh trên địa bàn.
Một mùa xuân nữa lại về. Những chiếc chậu kiểng theo đơn đặt hàng đang được các cơ sở khẩn trương hoàn thiện và vận chuyển đến những nhà vườn để kịp tân trang cây, hoa đón Tết. Người sản xuất và kinh doanh chậu kiểng lại tiếp tục kỳ vọng vào một năm bán buôn khởi sắc để cùng gia đình đón cái Tết thật vẹn tròn…
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Kinh nghiệm chọn mai Xuân

Kinh nghiệm chọn mai Xuân

(GLO)- Tết đến Xuân về, ai cũng muốn chọn được một cây mai có dáng thế đẹp với mong ước một năm mới nhiều may mắn. Tuy nhiên, cách chọn cây thì không phải ai cũng tường tận.