Thị trường Tết ở Gia Lai: Nhiều nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2019 song thị trường tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn Gia Lai vẫn khá trầm lắng. Trong khi nhiều doanh nghiệp, tiểu thương lo lắng vì sức mua yếu thì người dân vùng sâu lại lo ngại hàng kém chất lượng sẽ tràn về.
Lo ngại hàng kém chất lượng tràn về vùng sâu
Đắn đo mãi anh Đinh Văn Long (làng Lân, xã Ia O, huyện Ia Grai) mới chọn được vài món hàng tại một tiệm tạp hóa gần nhà. “Tôi ít có cơ hội mua sắm tại những cửa hàng, siêu thị lớn nên sự hiểu biết về các sản phẩm hàng hóa cũng hạn chế, khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, cuối năm lượng hàng hóa tập trung lớn, rất nhiều khả năng hàng hóa kém chất lượng sẽ trà trộn vào. Vì vậy, tôi chỉ dám mua một vài mặt hàng thường sử dụng thôi, khi nào rảnh thì ra phố mua sắm thêm”.
Cũng lo lắng về chất lượng hàng hóa dịp Tết, chị Nguyễn Thị Thúy (xã Ia O, huyện Ia Grai) kiến nghị: “Báo chí phản ánh về tình trạng hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, nhất là việc người ta tẩm hóa chất vào trái cây, đồ ăn… khiến tôi rất sợ. Nhưng tôi ở vùng sâu, vùng xa, ngày Tết rất bận rộn không thể thường xuyên đi mấy chục cây số để ra phố hay siêu thị mua sắm. Vì thế, rất mong các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa ở vùng sâu, vùng xa nhiều hơn nữa để chúng tôi yên tâm mua sắm”.
  Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra hàng hóa ở các cửa hàng trên địa bàn TP. Pleiku dịp Tết. Ảnh: L.L
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra hàng hóa ở các cửa hàng trên địa bàn TP. Pleiku dịp Tết. Ảnh: L.L
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Minh Trường-quyền Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 12 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh) cho biết: “Thời gian qua, Đội đã triển khai rất nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng vào công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, Đội đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả. Nhằm tăng cường kiểm tra thị trường dịp Tết, nhất là ở vùng nông thôn, thời gian tới, Đội sẽ chú trọng theo dõi, nắm tình hình trên các tuyến quốc lộ và các đầu mối tập kết hàng hóa từ các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn”.
Sức mua yếu
Những ngày giáp Tết luôn là thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, qua khảo sát tại các chợ vùng ven, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị cho thấy, lượng khách mua sắm tăng không đáng kể.

Từ ngày 4-1 đến nay, Đội Quản lý Thị trường số 12 đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Theo đó, tịch thu 144 kg kẹo các loại, 130 kg táo đen, 24 kg táo đỏ, 73 kg mứt, 23 kg khô gà sấy và 1.703 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Tổng số tiền đề xuất xử phạt là 121 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa-chủ tiệm tạp hóa Hoa (33 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) than vãn: “Thời điểm này mọi năm, chúng tôi buôn bán rất chạy. Nhưng năm nay, hàng bán ra chậm hơn nhiều. Đã vậy, một số đầu mối thanh toán chậm, nhiều hôm phải gọi trước có tiền mặt mới dám giao hàng. Do đó, cứ bán hết chừng nào cửa hàng nhập thêm hàng chừng đó, không dám tích trữ”.
Cũng chịu cảnh ế ẩm không kém, bà Quách Thị Thúy Nga-chủ cửa hàng tiện ích Bos Mart (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) cho rằng: “Tình hình kinh tế năm nay khó khăn, cà phê mất mùa, giá cả các mặt hàng nông sản đều giảm, người dân không có tiền nên sức mua giảm nhiều. Ngay cả khách hàng ở thành phố mua sắm cũng dè dặt hơn. Nếu so với dịp Tết năm ngoái, hàng hóa bán ra giảm 30-40%. Hy vọng vài ngày tới, tình hình sẽ khởi sắc hơn”.
Tại Trung tâm Thương mại Pleiku-đầu mối buôn bán lớn nhất của tỉnh, nhiều tiểu thương cũng ngao ngán vì hàng bán ra quá chậm, nhất là các mặt hàng giày dép, quần áo thời trang, bánh mứt... “Nỗi lo về chuyển chợ chưa xong, bây giờ, chúng tôi lại càng lo hơn vì hàng hóa buôn bán quá ế ẩm. Trước đây, vào dịp Tết, khách ở huyện lên rất đông và mua hàng với số lượng lớn. Nhưng nhiều năm nay, đội quân bán hàng lưu động tăng mạnh, họ giao hàng tận nơi khiến chúng tôi không cạnh tranh nổi”-chị Lê Thị Kiều-tiểu thương kinh doanh quần áo tại Trung tâm Thương mại Pleiku-than vãn. 
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.