Trẻ ho quá mức trở thành một trạng thái bất lợi cho cơ thể, lúc này, bệnh nhi phải được sử dụng các biện pháp can thiệp cần thiết.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn-Chủ nhiệm khoa khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ho là một trong những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em trong nhiều căn bệnh như viêm họng, viêm amydal, viêm phế quản, viêm phế quản phổi, ho gà, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,… với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ có tính bảo vệ cơ thể. Điều đó giúp làm sạch đường thở, tống xuất đờm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Tuy nhiên, trẻ ho quá mức lại trở thành một trạng thái bất lợi cho cơ thể và buộc bệnh nhi phải được sử dụng các biện pháp can thiệp cần thiết.
Thạc sĩ Toàn cho biết trong y học cổ truyền, ho thuộc phạm vi chứng “khái thấu” và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Ho kéo dài rất bất lợi cho trẻ. Ảnh: Stethnews . |
1. Bài thuốc dân gian
- Thịt ô mai (quả mơ) 3 quả, cam thảo 5 lát. Hai thứ giã nhỏ, ngậm thường xuyên, với trẻ nhỏ tuổi có thể hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng bằng cách nhỏ vào họng của trẻ mỗi lần 5 giọt, mỗi ngày 2-3 lần.
- Lá hẹ tươi 10 lá, đường phèn vừa đủ. Lá hẹ rửa sạch, thái nhỏ, đem hấp cách thủy cùng đường phèn, cho trẻ uống mỗi lần 2-3 thìa cà phê, 2 lần/ngày. Dùng để chữa cho trẻ khi bị cảm cúm có ho, sốt, sổ mũi.
- Tỏi lâu năm 3-4 nhánh, bóc vỏ, đập dập, cho vào cốc, đổ khoảng 100 ml nước sôi ngâm qua đêm, hôm sau lấy ra cho trẻ uống mỗi ngày 3 lần sau bữa ăn, có thể hòa thêm một chút đường cho dễ uống và làm giảm tính kích thích của tỏi.
- Bách bộ 6 g, bạch tiền 6 g, sa sâm 9 g, xuyên bối mẫu 3 g, sắc đặc, chia uống 3 lần trong ngày, dùng liên tục 5 ngày.
- Cúc vạn thọ 15 bông, sắc kỹ lấy nước, hòa thêm một chút đường đỏ, chia uống 3 lần trong ngày.
- Kinh giới, bách bộ, bạch tiền và trần bì mỗi thứ 6 g, tử uyển 9 g, cát cánh và cam thảo mỗi thứ 6 g, sắc với một bát nước, cô lại còn nửa bát, chia uống 2-3 lần trong ngày. Dùng cho tất cả các trường hợp ho.
- Rễ cây dâu 20 g (cạo vỏ, tẩm mật ong, sao vàng) lá hẹ 20 g, hoa đu đủ đực 20 g, mạch môn 20 g, tất cả đem sắc với ba bát nước, cô lại còn một bát, hòa thêm đường phèn,chia uống 3 lần trong ngày.
- Lá dâu tằm 20 g, bạc hà 10 g, rau má 20 g, rễ cây chanh 10 g, lá hẹ 10 g, sắc kỹ lấy nước, chia uống vài lần trong ngày, có thể hòa thêm một chút đường phèn. Dùng chữa ho do cảm sốt.
- Gừng tươi 40 g, củ sả 40 g, đường trắng 100 g. Hai thứ giã nhỏ, vắt lấy nước, hòa đường rồi cô nhỏ lửa thành dạng kẹo, mỗi lần lấy một ít ngậm dần.
- Quất hồng bì 20 g, đường phèn lượng vừa đủ. Quất hồng bì rửa sạch, bỏ hạt, đem hấp cách thủy với đường phèn, mỗi ngày cho trẻ uống 2 lần, mỗi lần một thìa cà phê.
- Vỏ trắng rễ cây dâu 12 g (ngâm nước gạo một đêm), hoa cúc 12 g, mạch môn 12 g (đồ chín, rút bỏ lõi), bạc hà 8 g, lá chanh 16 g. Tất cả đem sắc với 500 ml nước, cô còn 200 ml, chia uống 2-3 lần trong ngày.
2. Chữa ho không dùng thuốc
Thạc sĩ Toàn hướng dẫn các bố mẹ có thể dùng một vài giọt dầu như dầu sả, tinh dầu tràm, dầu hạnh nhân hoặc tinh dầu bạc hà vào lòng bàn tay, xoa đều rồi day xát nhẹ nhàng lòng bàn chân cho trẻ, bấm nhẹ điểm nối giữa 2/5 và 3/5 đường nối đầu mút ngón trỏ với điểm giữa bờ sau gót chân.
Tiếp đó, cha mẹ xoa vào vùng liên sống bả (ở giữa hai xương bả vai) cho trẻ đến lúc nóng lên. Cuối cùng, tiến hành vỗ rung long đờm giảm ho bằng cách khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng trẻ ở phần giữa hai bả vai ở tư thế nằm hoặc ngồi đầu hơi dốc xuống.
Chú ý làm nhịp nhàng liên tục, tiến hành lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi chưa ăn gì.
Hà Quyên (zing)