Mẹ mất không thể về chịu tang: Nhói lòng nơi tuyến đầu chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an... đã rời xa gia đình, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ đã không thể về nhà để chịu tang.
 

Mạng xã hội ngày 16-5 đã chia sẻ những hình ảnh nhói lòng về một trung sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 nén đau thương vì mẹ mất nhưng không về nhà chịu tang được.

Trước đó, ngày 15-5, trung sĩ Phùng Minh Phục - công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An - hay tin mẹ đột ngột qua đời. Do tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp nên anh đành nén đau thương ở lại khu cách ly để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Biết được sự việc này, chỉ huy đơn vị đã chấp thuận cho trung sĩ Phục lập bàn thờ mẹ tại khu cách ly phòng chống dịch để anh và đồng đội bái vọng người đã khuất.

Trước đó vài ngày, khu cách ly tại Trung đoàn 738 tiếp nhận 43 người nhập cảnh từ Mỹ. Trung sĩ Phục là 1 trong 5 chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây, trực tiếp tiếp xúc 43 công dân này.

Hình ảnh trung sĩ Phùng Minh Phục chịu tang mẹ khi đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly được đưa lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng dâng trào cảm xúc. Nhiều người đã để lại những lời động viên kèm theo lời chúc sức khỏe, mong anh hoàn thành nhiệm vụ, sớm trở về nhà.


 

Trung sĩ Phùng Minh Phục bên di ảnh mẹ - Ảnh từ mạng xã hội
Trung sĩ Phùng Minh Phục bên di ảnh mẹ - Ảnh từ mạng xã hội
 Anh Phục bái lạy mẹ tại khu cách ly - Ảnh mạng xã hội
Anh Phục bái lạy mẹ tại khu cách ly - Ảnh mạng xã hội
Đồng đội mặc niệm trước bàn thờ mẹ trung sĩ Phục - Ảnh mạng xã hội
Đồng đội mặc niệm trước bàn thờ mẹ trung sĩ Phục - Ảnh mạng xã hội



Mạng xã hội ngày 15-5 cũng xuất hiện một bài viết đầy cảm xúc của nữ bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chia sẻ về chuyện đau lòng của những đồng nghiệp:

Thứ 7, ngày thứ 10 cách ly. Các bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa?

Tôi của ngày hôm nay đấy!

Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…

Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin một điều dưỡng bị một bệnh nhân Ccovid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ấy cung cấp số điện thoại của giám đốc bệnh viện và bạn ấy đang cố giải thích là không có và chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa. Nghĩ đến một nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…

Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…

Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…

Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?


Gần 1 tháng qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an... đã rời xa gia đình và người thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Không ít người đã kiệt sức, ngất xỉu sau cả ngày làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ cũng không thể về nhà để thọ tang...

Những câu chuyện, những hình ảnh ấy khiến chúng ta vừa trào nước mắt xúc động vừa cảm phục và biết ơn!

Theo Ngọc Trinh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).