Lý giải việc động đất ở Kon Tum trong 1 năm nhiều gấp 5 lần 100 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số trận động đất trong 1 năm qua nhiều gấp 5 lần so với hơn 100 năm trước cộng lại. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khó dự báo trước thời điểm xuất hiện động đất nên giải pháp quan trọng vẫn là quan trắc, đánh giá, rà soát lại khu vực xảy ra. 
 
Một góc huyện Kon Plông. Ảnh: T.T
Một góc huyện Kon Plông. Ảnh: T.T
Việc động đất liên hoàn những ngày vừa qua ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, được nhiều chuyên gia nhận định không chỉ tiềm ẩn rủi ro mà chính là tín hiệu cảnh báo việc cần sớm có những giải pháp đồng bộ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Về vấn đề này, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng với ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). 
Khó xác định quy luật động đất
Thưa ông nguyên nhân ban đầu của hiện tượng động đất liên hoàn những ngày qua tại khu vực tỉnh Kon Tum như thế nào?
- Theo quan trắc của Viện Vật lý địa cầu trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ Richter. Trong đó, trận lớn nhất được ghi nhận tại đây vào năm 1937 là 3,9 độ Richter. Tuy nhiên, từ tháng 4.2021 đến nay, hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay, khu vực này đã ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên. Trận lớn nhất gần đây độ lớn 4.5. 
Như vậy, các trận động đất gần đây lớn hơn so với lịch sử. Số trận động đất trong 1 năm qua nhiều gấp 5 lần so với hơn 100 năm cộng lại. Có thể thấy đây là một sự bất thường và theo khảo sát có những hồ thủy điện hoạt động trong khu vực này.
Đánh giá sơ bộ hoạt động của những hồ này có thể liên quan đến cái chuỗi động đất kích thích vừa qua. Động đất kích thích là khi hồ thủy điện tích nước làm động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật động đất tự nhiên.
Thưa ông trong chuỗi động đất vừa qua trận lớn nhất có độ lớn là 4.5. Vậy mức độ nguy hiểm của độ lớn này như thế nào và dự báo độ lớn cực đại ở khu vực này ra sao? 
- Động đất độ lớn 4.5 ở trên thế giới quy vào động đất yếu, động đất nhỏ. Động đất từ 5.0 trở lên là động đất trung bình, 6.0 trở lên là động đất mạnh. Với động đất từ 4.0 đến 5.0 có thể là gây ra rung lắc đồ vật trong gia đình và rất hiếm khi nó gây ra thiệt hại về nhà cửa. Ở khu vực này từ trước đến nay chưa được nghiên cứu nhiều nhưng đánh giá sơ bộ độ lớn cực đại khoảng từ 5.0 đến 5.5.
Nếu đạt độ lớn 5.5 sẽ có thiệt hại. Vì thế sau chuỗi động đất liên tiếp vừa qua việc đầu tiên là phải tiến hành quan trắc, đánh giá, rà soát lại khu vực. Đối với động đất chưa thể dự báo thời điểm xảy ra. Chính vì vậy không thể chủ quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào trước tính mạng của người dân.
Kịch bản dài hạn ứng phó động đất
Thưa ông vậy theo quan trắc và đánh giá đến thời điểm hiện tại, dự báo trong những ngày tới động đất có khả năng tiếp tục xuất hiện ở khu vực Kon Tum hay không? 
- Có thể thấy hoạt động động đất trong thời gian vừa qua đang gia tăng. Dự báo trong thời gian tới động đất vẫn tiếp tục xảy ra. Nếu thật sự đây là động đất kích thích liên quan trực tiếp đến hoạt động tích nước thì có thể xảy ra nhiều kịch bản khác nhau. Ví dụ sau một thời gian tích nước thì rung chấn giảm nhưng cũng có thể có chu kỳ lạ hơn như tích nước rất lâu sau đó mới xảy ra động đất. Cho nên không có cách nào khác là phải quan trắc, nghiên cứu. 
Trong những ngày tới Viện Vật lý địa cầu có những phương án gì để hướng dẫn người dân ở Kon Tum đảm bảo an toàn về người và tài sản?  
- Viện Vật lý địa cầu có kế hoạch đi khảo sát, thực hiện tuyên truyền cụ thể đến người dân để có ứng phó phù hợp. Đầu tiên sẽ phổ biến những khái niệm rất cơ bản về động đất xảy ra như thế nào, gây thiệt hại ra sao. Sau đó giúp người dân hiểu cách ứng xử trong từng tình huống trong nhà hay ngoài trời, đặc biệt là ở những khu vực khả năng có đá lăn khi động đất. Kiến thức tuy đơn giản nhưng sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại động đất. 
Vậy còn giải pháp dài hạn do Viện Vật lý địa cầu cũng như các cơ quan liên quan đang xây dựng là gì sau hàng loạt bất thường? 
- Giải pháp dài hạn là phải có một cái mạng lưới các trạm quan trắc đầy đủ hơn và đặc biệt là quan trắc cả những cái hiệu ứng. Ví dụ như những công trình nhà cao tầng cũng nên đặt thiết bị quan trắc với giá thành không cao. Từ đấy tổng thể lại sẽ thực hiện được bản đồ phân vùng đánh giá rủi ro động đất và phân vùng về độ nguy hiểm. Đó là thông số đầu vào phục vụ cho rất nhiều ngành như quy hoạch, xây dựng, giao thông...
Thông thường các nước trên thế giới khoảng 4-5 năm cập nhật một lần và chúng tôi đang hướng đến mục tiêu xây dựng bản đồ này sớm nhất có thể. 
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo An An (LĐO)

Có thể bạn quan tâm