Thủy điện Thượng Kon Tum ra sao trước hàng loạt trận động đất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 20.4, đoàn công tác phối hợp ứng phó với động đất tại tỉnh Kon Tum đã đến huyện Kon Plông, nơi đặt nhà điều hành nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum để khảo sát, đánh giá tình hình.
 
Lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: T.T
Lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: T.T
Đoàn công tác đã kiểm tra hoạt động của khu nhà điều hành thủy điện, đập dâng và các khu vực xung quanh.
Thời điểm hiện tại, thủy điện tích nước với 106 triệu m3. Dung tích toàn bộ hồ là 145 triệu m3 nước.
Hồ chứa thủy điện chịu được động đất với cường độ cấp VII, khoảng 6 độ richter trong vùng tâm chấn. Trong khi trận động đất hôm 18.4.2022 là 4,5 độ, cách đập 25km.
Dự báo khả năng động đất với cường độ lớn hơn có thể xảy ra và nguy cơ đe dọa an toàn hồ đập.  
 
Đoàn công tác kiểm tra nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: T.T
Đoàn công tác kiểm tra nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: T.T
Theo ghi nhận của nhà máy thủy điện, sau trận động đất 4,5 độ richter, khu vực nhà điều hành, xung quanh thân đập vẫn bình thường, chưa có vấn đề, sự cố gì xảy ra.
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, sẽ tiếp tục sử dụng các máy đo địa chấn để giám sát, cảnh báo sớm động đất.
 
Máy đo địa chấn lắp đặt tại nhà máy thủy điện. Ảnh: T.T
Máy đo địa chấn lắp đặt tại nhà máy thủy điện. Ảnh: T.T
Ông Quang nhận xét, máy đo địa chấn nhìn đơn giản, gọn nhẹ và cần được lắp đặt cẩn thận, tránh bị chuột cắn phá hoặc mất điện giữa chừng, có thể không đo được động đất đang xảy ra. Mặt khác, máy đo địa chấn cần kết nối với hệ thống internet để sớm truyền dữ liệu về trung tâm để phân tích, đánh giá, lên phương án các kịch bản ứng phó.  
Theo Viện Vật lý địa cầu, kể từ ngày 8.2.2021, tại khu vực nhà máy thủy điện Thương Kon Tum đã liên tục ghi nhận các chấn động kèm theo tiếng nổ. Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh là chủ đầu tư Dự án thủy điện Thượng Kon Tum yêu cầu Viện Vật lý địa cầu, các nhà khoa học, nghiên cứu gồm: TS. Lê Tử Sơn - cộng tác viên khoa học và ThS. Vi Văn Vững - cán bộ nghiên cứu thuộc phòng Địa Chấn, tiến hành lắp đặt máy địa chấn, ghi và đánh giá cường độ dao động tại khu vực nhà máy.
Viện Vật lý Địa cầu đã sử dụng bộ máy địa chấn dải rộng ghi số có dải động học cao, sản xuất tại Nhật Bản. Viện Vật lý địa cầu cũng kết luận, việc chỉ với 1 máy địa chấn, không thể xác định được vị trí của kích động, đơn vị kiến nghị lắp đặt thêm các trạm đo động đất và thiết bị đo địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông.   
Theo Thanh Tuấn (LĐO)

https://laodong.vn/xa-hoi/thuy-dien-thuong-kon-tum-ra-sao-truoc-hang-loat-tran-dong-dat-1036014.ldo

Có thể bạn quan tâm