Luồn sương mù săn chuột đại bổ chuyên ăn trộm sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết này về với xứ sở sương mù Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), thực khách sẽ được thưởng thức món chuột sâm (chuột quý tộc) và nhâm nhi chén rượu cần bên bếp lửa hồng. Những chú chuột sâm béo ngậy, vàng ươm được nấu với măng rừng hay ăn kèm lá Blu Kit là món ăn không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về của người dân tộc Xê Đăng.
Mãi đến khi có dịp được trải nghiệm chuyến săn chuột sâm trên đỉnh núi Ngọc  Linh, chúng tôi mới tin rằng thịt chuột không chỉ là đặc sản nơi đây mà còn là 1 món ăn bổ dưỡng, thơm ngon. 
Quả không sai khi kết luận như vậy, thịt chuột ở xứ sở sương mù không giống thịt chuột dưới miền xuôi, bởi lẽ chuột trên này chỉ ăn các loại sâm quý (sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng sâm…). Không chỉ là món ăn ngày tết và chiêu đãi các vị khách quý, thịt chuột “quý tộc” còn được dâng lên các vị thần trong lễ cúng, cưới hỏi…
 
Những chú chuột khi bắt về được làm sạch và gác bếp cho khô chờ đến dịp tết hoặc lễ hội để dùng
Khi những rương lúa đã được chất đầy dưới góc nhà cũng là lúc các chàng trai Xê Đăng lên núi bắt chuột sâm chuẩn bị đãi khách quý dịp tết đến. Để lên được đỉnh núi Ngọc  Linh đặt bẫy chuột, những chàng trai này phải “cuốc” bộ gần 10km đường rừng. Khi vừa tới vườn sâm Ngọc  Linh, các chàng trai đã chia nhau ra từng nhóm đặt bẫy.
 
Hàng ngày, trong lúc đi tuần tra bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh thì bà con trên xã Măng Ri thường cầm luôn bẫy để bẫy chuột.
Vừa đặt bẫy, anh A Chung ( trú tại làng Đăk Dơn) vừa chia sẻ với chúng tôi: “Để bẫy được những chú chuột sâm này thì đơn giản, nhưng phải cẩn thận quan sát vì những vườn sâm Ngọc Linh ở đây đều được người dân cắm chông bảo vệ trộm, nên rất nguy hiểm.
Khi đặt bẫy, chúng ta chú ý đặt vào những lối có dấu chân chuột chạy, gài thành từng hàng quanh vườn sâm. Ngoài ra, có thể gài vào những gốc cây, hốc đá, hố, hang…nơi ở của chuột. Hầu hết loại chuột này phá sâm quanh năm, ăn hết củ chúng lại ăn quả sâm. Từ củ lớn đến củ nhỏ, chúng đều chén hết…”.
 
Thường bẫy được đặt ở các nhánh cây, hốc đá và dọc các lối mòn trên đường chuột hay qua lại.
 
 Những chiếc bẫy chuột rừng chỉ làm rừng thanh nứa nhưng những chú chuột lại rất khó thoát.
Theo anh A Chung, ngày trước lúc mới đặt bẫy cũng dễ dính nhưng càng về sau  càng khó vì chúng rất khôn…Chính vì vậy mà thịt chuột sâm mỗi lúc một quý, thường thì vào dịp lễ tết, cưới hỏi mới được ăn. Sau khi đã bắt được những chú chuột sâm béo ngậy, những chàng trai Xê Đăng thường đưa về cho vợ làm và gác lên bếp chờ ngày lễ tết mang ra cúng thần linh và thưởng thức.
 
Những chú chuột sâm gác bếp.
 
Khi đến các vườn sâm ngọc linh, bà con đã tỏa đi các hướng tìm dấu chân của chuột để đặt bẫy.
Chia sẻ cách chế biến món thịt chuột, chị H’Lạng bộc bạch: “Thịt chuột chế biến được rất nhiều món, có thể nấu với măng rừng, chuối, sả hoặc nướng lên ăn kèm với lá Blu Kit (lá rau rừng). Ngoài việc đãi khách quý, phần lớn thịt chuột bẫy về được làm sạch và treo lên gác bếp đến khi có dịp cưới hỏi, lễ tết mới lấy xuống chế biến.
Những dịp cưới hỏi, lễ tết người dân thường bày thịt chuột ra như một lời kính trọng, chào đón nhà thông gia, họ hàng và làng xóm tham dự. Cũng vì vậy mà những buổi đi tuần tra, canh giữ vườn sâm người dân đều bẫy chuột rừng để trữ trong gác bếp…”.
 
Chuột sâm thường có kích cỡ lớn, ăn thịt rất thơm…
Không chỉ biết tạo nguồn lương thực tại chỗ từ những cánh đồng lúa vàng óng ả mà người dân Xê Đăng còn biết tận dụng thời tiết khí hậu để trồng sâm, một báu vật để gia tăng thu nhập, đổi đời trên xứ sở sương mù. Cũng từ các vườn sâm quý, những chú chuột “quý tộc” bắt đầu xuất hiện và trở thành đặc sản của nơi đây. Điều đặc biệt hơn, đặc sản thịt chuột không bán mà chị biếu, tặng.
 
Gian nan hành trình săn chuột sâm trên Măng Ri.
Trần Hiền (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm