Săn chuột rừng ở Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang), sau khi thu hoạch xong lúa rẫy là lúc mùa săn chuột rừng bắt đầu. Từ những chiếc bẫy thô sơ, người dân có thể bắt được hàng chục con chuột rừng mỗi đêm.
Theo chân người dân làng Kon Plinh (xã Kon Pne), chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình và không khỏi thán phục trước biệt tài săn chuột rừng của bà con nơi đây. Khi hoàng hôn buông xuống, anh Iơr-một thợ săn chuột rừng có tiếng của làng lại cùng các “chiến hữu” vào rừng săn chuột.
  Thợ săn chuột rừng hướng dẫn cách đặt bẫy. Ảnh: H.P
Thợ săn chuột rừng hướng dẫn cách đặt bẫy. Ảnh: H.P
Vừa đi, anh Iơr tiết lộ, việc săn chuột không cần đến chiếc bẫy sắt, đơn giản chỉ là những thanh tre tạm đan vào nhau tạo thành chiếc thòng lọng đặt ngay đường chuột chạy. Đêm xuống, chuột ra kiếm ăn sẽ mắc bẫy. “Quan trọng nhất là tìm nơi đặt bẫy, phải đặt đúng đường chuột chạy, ở những nơi trồng nhiều hoa màu. Mùa này, chuột rừng thường xuyên phá hoại lúa, mì. Chuột rừng rất nhiều nên khi đi tìm thức ăn, đường đi của chúng gần như tạo một lối mòn nên chỉ cần đặt vào những lối mòn đó thì chuột sẽ tự sập bẫy thôi”-anh Iơr giải thích.
Thịt chuột rừng là món ăn quen thuộc của người dân sở tại và là món đặc sản của nhiều người thường dành đãi khách phương xa. Thịt của loài gặm nhấm này có thể chế biến thành nhiều món ngon như: giả cầy, xáo măng, nấu với chuối xanh... Nhưng ngon nhất vẫn là nướng trên than hoa.
Chuột rừng thường to hơn chuột đồng, nhiều con đạt tới 5-7 lạng, thậm chí có con gần 1 kg. Sau khi bẫy chuột rừng về, việc đầu tiên là dùng rơm khô thui vàng da, mổ bụng rồi xử lý các công đoạn tiếp theo. Sau đó, thịt chuột được rửa sạch để ráo nước trước khi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. “Thông thường, tôi hay bóp riềng mẻ nấu giả cầy và xáo măng”-anh Iơr cho biết.
Cũng theo anh Iơr, thời gian tốt nhất để đặt bẫy chuột là khoảng 17 giờ. Lúc này, chuột bắt đầu ra khỏi hang đi kiếm ăn. Sau khi đặt bẫy, tầm 20 giờ trở đi thì kiểm tra và thu bẫy về. Trung bình mỗi buổi tối, anh Iơr bẫy được trên 10 con, nhiều nhất vào vụ thu hoạch lúa hoặc mì.
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.