Liên tiếp xảy ra 3 trận động đất lớn từ 3,6 đến 4,7 độ richter tại Kon Plông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 23-8, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra liên tiếp 3 trận động đất có độ lớn từ 3,6 đến 4,7, không loại trừ khả năng còn dư chấn tiếp theo.
Vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây ngày 23-8, tại tọa độ 14.768 Vĩ Bắc-108.209 Kinh Đông, thuộc huyện Kon Plông, đã xảy trận động đất có độ lớn 4,7, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Tiếp đó, tại khu vực này tiếp tục xảy ra các trận động đất gồm: trận động đất có độ lớn 3,6 vào 14 giờ 11 phút 36 giây tại tọa độ 14.796 Vĩ Bắc-108.252 Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, không gây rủi ro thiên tai. Trận động đất có độ lớn 3,7 vào 15 giờ 2 phút 9 giây tại tọa độ 14.801 Vĩ Bắc-108.238 Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, không gây rủi ro thiên tai.
Một góc huyện Kon Plông. Ảnh T.T
Một góc huyện Kon Plông. Ảnh T.T
Theo Quyết định số 18/2021/QĐ-Ttg ngày 22-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, động đất có độ lớn trên 4 và dưới 4,9 được xếp vào loại động đất nhẹ, cấp độ rủ ro thiên tai cấp 1 là mức rủi ro thấp.
Đây là trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây tại khu vực huyện này. Trận động đất có độ lớn cao thứ hai tại khu vực này xảy ra vào trưa 18-4-2022 với độ lớn là 4,5. 
Kể từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra hàng chục động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,5. Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh, từ tháng 6-2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về người và nhà cửa tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân trong khu vực. 
Tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5 độ. 
Viện cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Trước đó (1-8), huyện Kon Plông cũng xuất hiện một trận động đất có cường độ 3,6, là trận động đất tiếp theo trong chuỗi động đất liên tiếp ở khu vực này. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý Địa cầu đang tiếp tục theo dõi
Theo Tiền Phong, tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đak Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, đơn vị này đang thúc đẩy lắp đặt hệ thống trạm quan trắc ở khu vực để tăng cường cảnh báo, giám sát đồng thời triển khai truyền thông đến người dân trong khu vực về động đất.
L.H (tổng hợp)
 

Có thể bạn quan tâm