Liên kết với các tỉnh Tây Nguyên hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch là giải pháp đưa ngành du lịch Kon Tum cất cánh.
|
Trình diễn dù lượn Bay trên đại ngàn-Sa Thầy 2022 được kỳ vọng tạo sản phẩm du lịch đặc thù cho Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát |
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Kon Tum đã thu hút được gần 500.000 lượt khách, đạt trên 53% kế hoạch và tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, qua đó mang về doanh thu trên 110 tỷ đồng, tăng 81,5% so với cùng kỳ.
Đây là những tín hiệu khả quan đối với ngành du lịch, ngành kinh tế bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. “Sức bật” trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng du lịch bền vững, gắn liền với lợi ích của người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hậu COVID-19.
Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết các điều kiện tự nhiên của Kon Tum, đặc biệt là địa hình đa dạng đã tạo cho tỉnh một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, hấp dẫn với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Trong đó phải kể đến là rừng thông Măng Đen (huyện Kon Plong), vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đắk Glei).
Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, Kon Tum cũng có một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng phong phú và đa dạng. Với lịch sử gần 110 năm hình thành, phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa trở thành truyền thống tốt đẹp, phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của các tộc người thiểu số, thể hiện ở các loại hình như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông-nhà dài, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ-chữ viết, điêu khắc-hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát... Trong không gian văn hóa lễ hội, phong tục tập quán, “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, luôn là điểm nhấn trong du lịch ở Kon Tum.
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho rằng, Kon Tum là tỉnh có rất nhiều thuận lợi về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ, bởi nơi đây có tới 7 tộc người bản địa và mỗi tộc người có một nền văn minh, văn hóa riêng biệt. Chính nhờ những sự riêng biệt đó mà du khách luôn muốn đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách quốc tế đến với Kon Tum trong giai đoạn 2015- 2019 (giai đoạn trước đại dịch COVID-19) đạt trên 181.000 lượt người, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên, chỉ sau Lâm Đồng (trên 2 triệu lượt khách). Dù vậy, lượng khách nội địa đến với Kon Tum trong giai đoạn này lại thấp nhất khu vực, với trên 1,1 triệu lượt khách, thấp hơn Đăk Nông (gần 1,4 triệu), Gia Lai (trên 2,7 triệu), Đăk Lăk (trên 3,3 triệu) và Lâm Đồng (hơn 28,5 triệu). Chính điều này đã khiến tổng thu du lịch của tỉnh chỉ đạt gần 1.100 tỷ đồng, đứng thứ 4/5 trong khu vực, chỉ xếp trên Đăk Nông.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết dù lượng khách du lịch đến với Kon Tum có chiều hướng tăng lên ở mức khoảng 18%/năm, song tổng thu du lịch tại tỉnh vẫn còn ở mức thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (đạt 297 tỷ trong tổng sản phẩm GRDP gần 14.800 tỷ đồng năm 2019).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch Kon Tum có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển khả quan, là tỉnh đi sau về du lịch nhưng có cơ hội là điểm đến mới, xu hướng du lịch mới sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, do hạ tầng kết nối chưa thuận lợi, môi trường, nguồn lực còn nhiều hạn chế... nên du lịch Kon Tum vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để giải quyết những vấn đề này, ngoài việc liên kết hành động, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Kon Tum phải tính toán, lựa chọn các giải pháp theo hướng phục hồi du lịch gắn với gói phục hồi kinh tế như Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đề ra.
Khai thác triệt để lợi thế du lịch
Thực tế, các sản phẩm du lịch tại Kon Tum vẫn chưa tạo ra nhiều sự khác biệt, phù hợp với đặc trưng, lợi thế của tỉnh mà vẫn có chung thương hiệu trong du lịch Tây Nguyên.
|
Caravan Famtrip Về miền Quốc bảo sâm Ngọc Linh K5 - đưa du khách về thăm vườn sâm Ngọc Linh được xây dựng nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc thù cho Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát |
Các sản phẩm du lịch bị tương đồng hay trùng lặp, chồng chéo giữa Kon Tum với các địa phương khác trong khu vực như ẩm thực có cơm lam, gà nướng; văn hóa có nhà sàn, nhà mồ; âm nhạc có cồng chiêng… đã làm giảm sự hấp dẫn đối với du khách.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Gia Lai, hiện nay vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp tập trung giải quyết để phát triển du lịch hiệu quả hơn giữa tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực. Nhiều loại hình du lịch đặc thù đối với địa hình miền núi chưa được hình thành và phát huy lợi thế tài nguyên như golf, thể thao mạo hiểm... Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên du lịch chưa thực sự quan tâm gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, giá trị tự nhiên.
Tuy nhiên, một “điểm cộng” với du lịch Kon Tum trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù là tháng 4/2022, tỉnh đã tổ chức thành công diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” với các hoạt động bên lề như Lễ hội Khinh khí cầu, trình diễn dù lượn “Bay trên đại ngàn-Sa Thầy 2022” hay Caravan Famtrip “Về miền Quốc bảo” sâm Ngọc Linh K5. Những sản phẩm du lịch này đã tạo ra điểm nhấn riêng biệt cho du lịch Kon Tum so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khuyến nghị các sản phẩm du lịch đặc thù mà tỉnh Kon Tum cần phát triển là trải nghiệm văn hóa sâm Ngọc Linh; nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen; trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc Kon K’Tu, Kon Bring gắn với nông nghiệp, sản vật địa phương; tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa lý; du lịch leo núi mạo hiểm; du lịch khám phá sinh thái vườn Quốc gia Chư Mom Ray…
Bên cạnh việc nỗ lực tạo ra các sản phẩm đặc thù, Kon Tum cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch sẵn có. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, sản phẩm du lịch phải đáp ứng nhu cầu của du khách, đa dạng, phong phú, sáng tạo. Qua đó, tạo ra sự trải nghiệm đa dạng cho du khách, tạo điều độc đáo, khác lạ, giáo dục cho du khách thông qua du lịch.
Lấy ví dụ tại Măng Đen - điểm du lịch thu hút khách lớn nhất của tỉnh Kon Tum, ông Thắng cho rằng các sản phẩm du lịch tại đây vẫn chưa tương xứng, còn hạn chế, chỉ đáp ứng được nhu cầu lưu trú mà chưa đáp ứng được các nhu cầu khác của du khách.
“Một điển hình khác là hiện nay tỉnh Kon Tum đang phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh. Chúng ta phát triển thương mại thì tốt rồi, nhưng phải làm thế nào để kết nối sản phẩm này với du lịch ở huyện Tu Mơ Rông? Tôi cho rằng cần phải áp văn hóa vào sản phẩm này, như việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sâm Ngọc Linh của cộng đồng các dân tộc bản địa. Đây chính là cơ sở để xây dựng, phát triển du lịch bền vững”, ông Phùng Quang Thắng phân tích.
Với cộng đồng 43 dân tộc cùng chung sống; trong đó, có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xơ Đăng, Bahnar, Giẻ Triêng, Jrai, Hrê, Rơ Măm và Brâu, kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum vô cùng phong phú, đa dạng. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn liền với lợi ích của cộng đồng các dân tộc thiểu số được xem là yếu tố quan trọng tạo thành công cho ngành du lịch tỉnh Kon Tum.
Hiện nay, tỉnh đã công nhận nhiều điểm làng du lịch cộng đồng để du khách có thể đến thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân như: làng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum; làng Kon Pring, huyện Kon Plông; làng Đăk Răng, huyện Ngọc Hồi; làng Kon Brăp Du, huyện Kon Rẫy; làng Đăk Lek, thành phố Kon Tum hay làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà.
Nghệ nhân ưu tú Y Lim, làng du lịch cộng đồng Kon Pring cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, làng đã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng dân làng. Bên cạnh thưởng thức các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, du khách cũng được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng với những điệu múa, khúc hát của người Mơ Nâm bản địa.
Thông qua việc đón du khách, bà Y Lim có được khoản thu nhập từ 15- 20 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ giúp gia đình bà cũng như người dân trong làng có cuộc sống ổn định hơn, mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nói riêng gắn với công tác xây dựng nông thôn mới; xây dựng các làng văn hóa, làng nghề gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với nông thôn trên cơ sở chuỗi giá trị mà hoạt động du lịch đem lại, trong đó có sự tham gia của người dân và cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cũng như các địa bàn dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng Việt Nam, hiện nay có nhiều tỉnh, thành đang chạy theo du lịch cộng đồng ồ ạt, nhưng chưa gắn kết được với lợi ích, sinh kế cho các cộng đồng, mối liên kết giữa các cộng đồng với chính quyền địa phương chưa tốt.
“Với du lịch cộng đồng, Kon Tum cần có các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này để xác định đúng địa điểm, vị trí xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, không thể xây dựng mô hình tại các vùng quá xa xôi, khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền phải song hành trực tiếp với người dân trong quá trình khởi nghiệp mô hình du lịch cộng đồng. Cần xã hội hóa, hỗ trợ cho cộng đồng để phát triển; đồng thời có sự liên kết để quảng bá, xúc tiến truyền thông, xác định rõ các sản phẩm trong du lịch cộng đồng”, ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.
Mở hướng tương lai
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, những năm qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh tuy đã có đổi mới song còn thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác liên kết, phát triển du lịch chưa tạo được sự đột phá.
Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc huy động các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân tham gia hoạt động du lịch chưa đạt hiệu quả cao.
|
Nhà Rông tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum. Ảnh: Dư Toán/TTXVN |
Vì vậy, việc thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo liên kết du lịch vùng và mới đây là công bố Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 chính là “chìa khóa” đã mở ra tương lai cho ngành du lịch Kon Tum.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong đó có 47 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch-dịch vụ. Các dự án này ưu tiên xúc tiến đầu tư vào khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông. Qua đó, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.
Trong khi đó, dù chưa có sân bay, song tỉnh Kon Tum đã ký hợp tác thỏa thuận toàn diện với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), trong đó có việc quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch hàng không.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” song tỉnh Kon Tum phải lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng để nhà đầu tư giữ lại giá trị cốt lõi của du lịch bản địa, nếu không sẽ không thể phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị, trong lúc chờ đợi các nhà đầu tư góp phần xây dựng hạ tầng du lịch, tỉnh Kon Tum cần phát huy lợi thế của du lịch cộng đồng, tôn tạo các di sản để chờ đón và thông qua du lịch cộng đồng tạo ra điểm nhấn thu hút du khách. Khi lượng khách tăng lên, nhà đầu tư sẽ tìm đến với Kon Tum nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh phải gấp rút triển khai đào tạo nguồn nhân lực thực hành du lịch. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ sẽ chỉ đạo Trường Cao đẳng Du lịch hỗ trợ đào tạo nhân lực, từng bước tháo gỡ khó khăn cho Kon Tum.
Nằm ở vị trí “ngã ba Đông Dương,” Kon Tum có vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ. Đặc biệt, tỉnh cũng là cầu nối du lịch cho khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được công bố vào cuối tháng 4/2022 nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 3,3 triệu lượt khách du lịch cho khu vực vào năm 2025. Qua đó, hình thành một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm; cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương khu vực tam giác phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi.
Tháng 4/2022, chương trình hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã được ký kết. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch, tạo liên kết vùng để thu hút khách du lịch nội địa đến với Kon Tum.
Đối với khách du lịch quốc tế, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với các tỉnh trong khu vực qua các tuyến du lịch trong nước và quốc tế như các tuyến du lịch: Con đường xanh Tây Nguyên; Hành trình di sản Đông Dương; caravan hành trình qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam xuyên qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu lưu ý trong quá trình liên kết vùng, tỉnh Kon Tum cần liên kết với các tỉnh Tây Nguyên hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển, như liên kết với tỉnh Gia Lai khai thác sân bay Pleiku, du lịch Hồ thủy điện Yaly.
Đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Kon Tum cần hướng tới kết nối điểm đến, chia sẻ thị trường, có thể liên kết với tỉnh Quảng Nam để quảng bá chung thương hiệu du lịch sâm Ngọc Linh.
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, cùng sự hỗ trợ tối đa từ các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Kon Tum hứa hẹn khởi sắc, phát triển bền vững trong giai đoạn hậu COVID-19, đưa Kon Tum thoát khỏi “vùng trũng” của du lịch.
Đây cũng là điều kiện mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Theo Vietnam+