Làng Thái ngày ấy… bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáu năm về trước, tôi có chuyến công tác về “làng Thái” thuộc xã Ia Kli huyện Chư Prông, ngày ấy người dân nơi đây nghèo lắm, cái nghèo, cái đói hiện hữu trên từng mái nhà, từng bữa cơm của người dân. Thế nhưng, giờ đây tôi quay lại, ngôi làng này đã có sự đổi thay nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau giữa người dân làng Thái và dân tộc tại chỗ đã dệt nên những câu chuyện đẹp về tình đoàn kết, xây dựng quê hương…
 

Ông Lương Đình Thuộc bên hồ cá của gia đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ông Lương Đình Thuộc bên hồ cá của gia đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Gọi “làng Thái” là thói quen của những cán bộ và người dân huyện Chư Prông, thực chất đây chỉ là một tổ của làng Lân, xã Ia Kli, quy tụ  36 hộ dân với hơn 145 khẩu dân tộc Thái ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa di cư vào trước năm 2000. Ngày mới vào đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, cơ cực, khu vực những người dân chọn để ở, đất sản xuất rất ít lại khô cằn, hoang hóa cỏ mọc um tùm. Nhìn dòng suối Mơ vẫn chảy nhưng cánh đồng sản xuất lúa nước của đồng bào dân tộc Jrai lại bỏ hoang vì không có nước. Đất bỏ hoang trong khi người dân thì thiếu lương thực, những người dân làng Thái đã mạnh dạn đến các gia đình có đất bỏ hoang ở làng Pó mượn đất để cải tạo sản xuất và hứa khi nào bà con cần sẽ trả lại.

Chuyện mượn đất, cải tạo đồng ruộng, sản xuất lúa nước vẫn còn in đậm trong lòng ông Lương Đình Thuộc, hiện nay ông là Chủ tịch Hội Nông dân của xã. Hồi ức ông kể: Nhìn những thửa ruộng không có nước để trồng lúa, trong khi đó con suối vẫn chảy quanh làng người dân làng tôi tiếc lắm. Dân làng họp lại bàn nhau sang làng Pó mượn đất để cải tạo trồng lúa, lúc đầu hơi khó nhưng khi chúng tôi hứa sẽ trả lại khi bà con cần lại, thế là họ cho mượn. Công cuộc vỡ đất, khai hoang bắt đầu, chúng tôi cùng nhau khiêng đá chặn suối, thậm chí bỏ tiền ra để mua các vật liệu ngăn suối, cả làng hì hục mười mấy ngày thì con suối cũng được chặn. Khi con suối được ngăn, dòng nước dâng lên, bà con bỏ hàng chục ngày công đào mương dẫn dòng đưa nước về từng thửa ruộng. Nước về thì việc sản xuất lúa khá đơn giản, những chân ruộng được phát cỏ cày xới, bắt đầu gieo vụ mới. Vụ đầu tiên chúng tôi thu được nhiều thóc lắm, đảm bảo lương thực cho mọi người trong làng.

 

Làng Thái nhìn từ xa. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Làng Thái nhìn từ xa. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Không chỉ cải tạo đồng ruộng để sản xuất lúa nước mà những người dân trong làng cũng tiến hành khai hoang trồng cà phê, cây ăn trái… Trồng lúa nước được 2 năm thì người dân làng Pó muốn lấy lại ruộng, chuyện trả ruộng được thực hiện nhanh chóng, nhưng với những người dân làng Pó chưa biết sản xuất lúa nước cũng gặp nhiều khó khăn. Những người dân làng Thái lại ra đồng hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây lúa. Để hiểu chuyện những người dân làng Pó được hướng dẫn trồng lúa nước tôi đã tìm gặp bàn Siu Đé một người dân có nhiều ruộng lúa ở làng Pó, bà cho biết: Lúc đầu người dân làng mình cho mượn đất, sau đó được người làng Thái trả lại ruộng và hướng dẫn cách trồng lúa, giờ đây những người dân làng mình đã trồng được lúa nước rồi, đủ gạo ăn trong năm.

Làng Thái giờ đây đã có cuộc sống sung túc, nhiều gia đình mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, những ngôi nhà xây dần mọc lên đã thay đi ngôi nhà tranh xập xệ ngày xưa. Trong những câu chuyện mà người dân ở đây kể cho tôi nghe có lẽ ấn tượng nhất với tôi ý chí vượt khó học tập của con em trong làng. Từ làng Thái các em học sinh đến trường nơi nào gần nhất cũng là 6 km, nhưng cả làng không có em học sinh nào bỏ học, hiện nay làng đang có 2 em học đại hoc. Để con em mình không thiếu cái chữ, những người lớn ở ngôi làng này phải thức dậy từ 5 giờ sáng đưa các em đến trường, sau đó về đi ra đồng, buổi chiều lại đi đón sớm. Đường xá xa xôi như vậy nhưng ước mơ tìm con chữ mong có cuộc sống ấm no hơn ở ngày mai vẫn luôn cháy bỏng.

Chia tay làng Thái khi chiều muộn, con đường ngoằn ngoèo, chạy quanh những rẫy cà phê, hồ nuôi cá, những ngôi nhà xây kiên cố đã mọc lên. Suốt chặng hành trình ấy, câu nói của anh Hà Văn Biến vẫn vang lên trong tôi: Không có gì khó chỉ cần sự đoàn kết là sẽ làm được tất cả. Điều quan trọng là phải biết đoàn kết, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau biết chia sẻ khó khăn giúp nhau phát triển kinh tế giữa các dân tộc với nhau. Làng mình chưa giàu nhưng nếu làng bên nghèo mình cũng có trách nhiệm giúp đỡ họ vượt qua khó khăn.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm