Lan đột biến, từ thiện mùa dịch Covid-19: Miếng mồi béo bở và những cú lừa trăm tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an), thời gian qua nổi cộm vấn đề tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch, chuyển nhượng chim cảnh, cây cảnh, lan đột biến… với giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hàng nghìn tỷ đồng bị chiếm đoạt

Cục Cảnh sát hình sự cho biết, thời gian gần đây, do tác động của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống giảm, song tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động có diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi xảy ra tại nhiều địa phương.

Cơ quan Công an đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn về lừa đảo chiếm đoạt tài sản (cao hơn so với cùng kỳ năm trước). Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, từ ngày 25/5/2020 đến nay, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 5.408 vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với tài sản bị chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, nổi cộm trong thời gian qua là tội phạm lừa đảo thông qua giao dịch, chuyển nhượng sinh vật cảnh như chim cảnh, cây cảnh, lan đột biến… với giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng.


 

 Các đối tượng trong một đường dây bán lan đột biến lừa đảo bị công an bắt giữ. Ảnh: CACC
Các đối tượng trong một đường dây bán lan đột biến lừa đảo bị công an bắt giữ. Ảnh: CACC



Điển hình như vụ việc anh Nguyễn Văn S. (sinh năm 1979) trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trong 1 tháng bị lừa 5 lần, mất gần 10 tỷ đồng vì lan đột biến

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, anh S. cho biết từ tháng 11 đến tháng 12/2020, anh mua lan tại các nhà vườn ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội; huyện Hoài Đức (Hà Nội) huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và huyện Yên Thủy (tỉnh Hoà Bình) với tổng số tiền giao dịch lên tới gần 10 tỷ đồng.

Sau khi giao dịch, anh S. về kiểm tra lại nguồn gốc thấy không đúng như thỏa thuận. Anh tìm đến các nhà vườn để trả cây đòi tiền nhưng chủ vườn đều đã cao chạy xa bay, khoá tài khoản Facebook, tắt điện thoại liên lạc.

Tìm hiểu kỹ, anh mới biết hầu hết những người này đều đi thuê vườn để giao dịch lan. Đến khi đã lừa được tiền của nạn nhân, họ bỏ trốn, chỉ còn lại vườn trống.

Một hình thức lừa đảo phổ biến khác đó là đầu tư tiền ảo. Các đối tượng tạo lập các website, các sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch tài chính, chứng khoán quốc tế (như Bigbuy24h, Binomo, coolcat, forex, bitcoin…) ứng dụng kiếm tiền, sử dụng "mồi nhử" là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)… theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

Hay như thủ đoạn đăng thông tin giả mạo lên mạng Internet về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền của các nhà hảo tâm. Đơn cử, ngày 18/4, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng Công an nghệ cao (A05 - Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã triệt phá chuyên án, bắt đối tượng Trần Văn Lâm (SN 1998, trú tại huyện Kim Bảng, Hà Nam); thu giữ 11 điện thoại, 2 bộ máy tính, 3 thẻ ngân hàng, 9 sim điện thoại.

Cơ quan Công an làm rõ, đối tượng Lâm lên mạng Internet tìm kiếm và sao chép các bài viết liên quan đến các trường hợp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thương tâm rồi chỉnh sửa mục thông tin tài khoản người nhận thành tài khoản ngân hàng của đối tượng.

Sau đó, Lâm sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau chia sẻ nội dung bài viết để kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ và chiếm đoạt số tiền do các nhà hảo tâm chuyển đến. Như vậy, từ đầu năm 2019 đến tháng 4/2021, đối tượng đã chiếm đoạt của hơn 1.000 bị hại số tiền gần 7 tỷ đồng.

 

 Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện lệnh khám xét nhà đối tượng Trần Văn Lâm. Ảnh: CACC
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện lệnh khám xét nhà đối tượng Trần Văn Lâm. Ảnh: CACC


Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vaccine, cung ứng vật tư phòng, chống dịch bệnh Covid-19 yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt.

Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền như giả danh Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt tài sản; giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước xin việc làm… vẫn tiếp diễn nhưng không nhiều như trước. Mặc dù cơ quan Công an đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, các bị hại vẫn bị đối tượng lừa đảo.

 

Đề phòng trước "miếng bánh" lợi nhuận

Cục Cảnh sát hình sự cho biết, đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, nếu đối tượng đã rút, chuyển tiền đến nước ngoài sẽ rất khó khăn cho việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt; nếu người dân, bị hại kịp thời trình báo, tố cáo đến cơ quan Công an, các đối tượng chưa kịp chuyển tiền thì có thể phong tỏa kịp thời, xem xét trả lại cho bị hại theo quy định của pháp luật.

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tàn sản nói chung, Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức, thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng; cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại "lợi nhuận cao".

Đề nghị người dân để cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết…

Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tàn sản thì kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

 

https://danviet.vn/lan-dot-bien-tu-thien-mua-dich-covid-19-mieng-banh-loi-nhuan-va-nhung-cu-lua-tien-ty-20211116010853092.htm


Theo Q. Nguyễn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.