Làm rõ việc thu hồi đất của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo phản ánh của bà Vũ Thị Ràng (thôn Ia Kăm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai), năm 1988, bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Thụy được ông Nguyễn Văn Thùy (anh trai ông Thụy) cho một lô đất có diện tích 7.022 m2 nằm dọc quốc lộ 19B, thuộc địa giới hành chính xã Ia Kriêng hiện nay. Sau đó, vợ chồng bà trồng điều trên toàn bộ lô đất này. Đến năm 1999, thấy cán bộ huyện Đức Cơ đưa máy móc đến san ủi và phá cây điều trên lô đất nhà mình, vợ chồng bà Ràng liền chạy ra ngăn cản. Sau đó, có 2 hộ dân đến xây nhà trên mảnh đất vừa được san ủi. Gia đình bà hỏi thì những hộ trên trả lời rằng đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Qua tìm hiểu, vợ chồng bà Ràng được biết: Năm 1999, UBND huyện Đức Cơ đã quy hoạch phần đất gần 3.842 m2 vừa san ủi xong trên lô đất trồng điều của gia đình mình thành 28 lô và sau đó đã có quyết định cấp đất cho 17 hộ dân. Bà Ràng đã đến trụ sở UBND xã Ia Kriêng để hỏi lý do thì cán bộ ở đây chỉ giải thích vòng vo. Sau đó, vì hiểu biết hạn chế, gia đình bà cũng không đi khiếu nại để làm rõ vấn đề. Đến năm 2008, ông Thụy không may qua đời do tai nạn lao động. Năm 2012, theo chủ trương chung, gia đình bà Ràng đi đăng ký kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất trên nhưng không hiểu vì lý do gì lại không được. Sau đó 6 năm, gia đình bà tiếp tục đi làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này nhưng vẫn không được giải quyết.
  Lô đất mà gia đình bà Vũ Thị Ràng (thôn Ia Kăm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ)đang khiếu nại. Ảnh: P.N
Lô đất mà gia đình bà Vũ Thị Ràng (thôn Ia Kăm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ)đang khiếu nại. Ảnh: P.N
Mãi đến khi gia đình bà Ràng kiến nghị thì vào ngày 2-7-2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Đức Cơ mới tổ chức một buổi làm việc với gia đình bà cùng những người có liên quan. Tại buổi làm việc, Phòng TN-MT đã không công nhận mảnh đất trên thuộc sở hữu của gia đình bà Ràng thông qua 4 nhân chứng là ông Lục Văn Dế, ông Nguyễn Sơn Thủy (nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Krêl), ông Giang Văn Hai và ông Trần Văn Hòa. Trong khi đó, hàng chục người dân sống ở địa phương này đều xác nhận rằng gia đình bà Ràng đã canh tác điều trên thửa đất hơn 7 sào như đã nêu hơn 30 năm nay. Theo bà Ràng, lời của các nhân chứng mà Phòng TN-MT mời làm việc đều không thuyết phục và không khách quan. Như trường hợp ông Dế là người có mâu thuẫn đất đai với gia đình bà. Ông này đã lấn chiếm đất của gia đình bà để xây dựng nhà ở. Hiện vụ việc đã được địa phương giải quyết với phần đúng thuộc về gia đình bà Ràng nên ông Dế không thể có tiếng nói khách quan và trung thực được. Về phần ông Hai và ông Hòa, họ chính là 2/17 hộ được giao đất trên lô đất trước đây UBND huyện Đức Cơ đã san ủi của gia đình bà. Còn ông Thủy thì trưng ra một chứng cứ thể hiện việc ông Nguyễn Văn Thùy đã làm đơn giao lại lô đất trên cho địa phương và nói rằng chính ông Thụy là người trực tiếp mang lên xã nộp (?). Cũng theo bà Ràng, điều rất vô lý là khi UBND huyện Đức Cơ phân lô và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 17 hộ dân thì gia đình bà đang là chủ sử dụng thửa đất đó nhưng lại không được mời làm việc, thỏa thuận đền bù. Đặc biệt, gia đình bà cũng không hề nhận được quyết định thu hồi đất nào. “Nếu lúc đó gia đình tôi không kịp thời ngăn cản thì có lẽ người ta đã san phẳng toàn bộ vườn điều để cấp đất cho người khác rồi”-bà Ràng bức xúc.
Làm việc với UBND huyện Đức Cơ, chúng tôi được biết, vì vụ việc rất phức tạp và xảy ra từ lâu nên nhiều hồ sơ đã bị thất lạc. Đến nay, đã quá thời hạn giải quyết đơn khiếu nại của công dân nhưng Phòng TN-MT huyện vẫn không làm rõ được vấn đề. Vì vậy, UBND huyện Đức Cơ đã giao cho Thanh tra huyện điều tra, xác minh làm rõ. Theo ông Võ Sỹ Bình-Chánh Thanh tra huyện Đức Cơ, huyện đã làm công văn xin lỗi công dân vì giải quyết hồ sơ trễ hạn. “Chúng tôi đã đề nghị công dân cho thêm thời gian để điều tra, xác minh thật kỹ càng, cặn kẽ hơn và đã được chấp thuận. Thanh tra huyện sẽ không lấy kết quả làm việc của Phòng TN-MT làm căn cứ để giải quyết vụ này mà sẽ lật tất cả hồ sơ và làm lại từ đầu, đảm bảo đúng sự thật khách quan”-ông Bình khẳng định.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.