Làm rõ trách nhiệm vụ hàng chục người chết vẫn… đi khám bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng hệ thống ghi nhận 51 người chết rồi nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 25-11, ông Lê Quang Tiệm, Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk, cho biết BHXH Việt Nam và lãnh đạo BHXH tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cán bộ chuyên môn nhập vào hệ thống giải quyết chế độ tử tuất nhưng không nhập ngày dẫn đến hệ thống báo người chết rồi vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT).
 
BHXH tỉnh Đắk Lắk đang yêu cầu làm rõ trách nhiệm việc nhập vào hệ thống dẫn đến người chết nhưng vẫn ghi nhận khám chữa bệnh
"Chúng tôi đã họp yêu cầu các cán bộ của phòng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không xảy ra sai sót tương tự. Bản thân tôi cũng nhận khuyết điểm về vấn đề này" - ông Tiệm cho biết thêm.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đơn vị này đã kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu gian lận trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Theo thông báo của BHXH Việt Nam, có 51 trường hợp khám chữa bệnh sau khi khai tử với số tiền hơn 276 triệu đồng.
Sau khi rà soát, BHXH Đắk Lắk xác định có 48 bệnh nhân đi khám chữa bệnh trước ngày chết nhưng do Phòng Chế độ BHXH nhập thông tin ngày chết trên phần mềm mặc định là ngày 1 của tháng đó nên mới có sự nhầm lẫn. Có 2 bệnh nhân là Nguyễn Văn Ch. (mã số BHXH xxx 59) đã chết trùng họ tên, năm sinh với một ông Ch. khác (mã số BHXH xxx17) còn sống và Nguyễn Thị Ch. (mã số BHXH xxx74) đã chết trùng họ tên, năm sinh với bà Ch. khác (mã số BHXH xxx33) hiện còn sống. Hai trường hợp này do lỗi đồng bộ mã số đối tượng đã chết mang mã số BHXH người đang còn sống. Chỉ có 1 bệnh nhân dù đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Trước đó, như Báo Người Lao Động phản ánh, hệ thống BHXH Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp đã tử vong nhưng vẫn phát sinh khám chữa bệnh. Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng trong quá trình nhập dữ liệu giải quyết chế độ tử tuất, bộ phận chuyên môn không nhập ngày chết mà chỉ nhập tháng. Do đó, phần mềm mặc định ngày chết là ngày 1 hàng tháng. Ví dụ 1 trường hợp ngày 5 đi khám và đến ngày 15 tử vong nhưng khi nhập chế độ tử tuất chỉ nhập tháng nên phần mềm báo chết ngày 1.
Chết rồi vẫn... khám bảo hiểm
Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk có 1 bệnh nhân là Nguyễn Thị C. đã chết nhưng sau đó phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể, bệnh nhân C. điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ ngày 21 đến ngày 23-1; được chính quyền cấp giấy khai tử cùng ngày 23-1. Đến ngày 1-2, cũng tại bệnh viện này phát sinh chi phí khám chữa bệnh với thông tin của bà C, tổng chi phí phát hơn 132.000 đồng.
Theo lý giải của Khoa cấp cứu ban đầu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, lúc đó bệnh nhân vào khoa cấp cứu đông, việc kiểm tra đối chiếu giữa CMND và bệnh nhân không chuẩn xác nên có sai sót và chịu trách nhiệm sai sót này. Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu khoa và kíp trực kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, không để lặp lại; đồng thời hoàn trả số tiền trên cho cơ quan BHXH.
Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm