Lạm dụng thuyết trình trong trường học: Giáo viên nhàn, học sinh dễ "hổng" kiến thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mệt mỏi với lịch học kín mít nên L. (học sinh lớp 8, trú tại Tân Bình, TPHCM) không có nhiều thời gian để họp nhóm, chỉ tranh thủ giờ giải lao để phân công nhiệm vụ cho 2 bài thuyết trình vào tuần sau, rồi việc ai nấy làm. Nhiều khi, em phải thức đêm chuẩn bị bài thuyết trình. Ban đầu, được thuyết trình khiến L. cảm thấy hứng thú nhưng với lịch trình ngày càng nhiều thì càng thấy chán nản.

So với giờ giảng bình thường, việc thuyết trình khiến giáo viên “nhàn” hơn. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
So với giờ giảng bình thường, việc thuyết trình khiến giáo viên “nhàn” hơn. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn


Từ hứng thú… sang nặng nề

Thay vì dạy theo kiểu “đọc -chép”, hiện nay, nhiều trường phổ thông đã triển khai nhiều hình thức học đổi mới theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Trong đó, hình thức học sinh thuyết trình được nhiều người lựa chọn.

Bên cạnh tích cực lại không ít học sinh, phụ huynh cũng đang lo ngại việc lạm dụng hình thức này khiến học sinh tiếp thu sai kiến thức, quá tải.

L. từng là một học sinh rất hứng thú với làm việc nhóm, thuyết trình theo chủ đề, bài học. Theo hình thức này, lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau. Trong nhóm có thể phân công mỗi người một phần việc.

Phương pháp hoạt động nhóm giúp các thành viên trong nhóm tự tìm hiểu nội dung, chia sẻ các băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra.

Bài học trở thành quá trình tự học, học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên. Qua đó, học sinh cũng rèn luyện được kĩ năng, thái độ, giúp các em phát huy tính tích cực, tự giác, tính chủ động sáng tạo, được thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình.

“Ban đầu, em và các bạn rất hứng thú với hình thức này nhưng với khối lượng kiến thức phải học quá lớn, có tuần em phải làm 2 đến 3 bài thuyết trình, mỗi lớp có đến 3-4 nhóm, nhân lên số tiết học thuyết trình khá nhiều nên dần dần bài thuyết trình không còn được chuẩn bị kỹ càng nên chất lượng không cao. Khi nhóm khác thuyết trình thì nhiều bạn ngồi dưới lại làm việc riêng, không chú ý”, L. kể.

Chia sẻ của L. không phải là cá biệt bởi gần đây, trong nhiều hội nhóm, không ít phụ huynh và giáo viên cũng đã nêu lên thực trạng lạm dụng hình thức học sinh thuyết trình, môn nào cũng thuyết trình, có môn thuyết trình đến nửa chương trình, học sinh còn than phải học một nội dung thành hai lần, trên lớp nghe thuyết trình về nhà phải nghe lại các thầy dạy video cho chuẩn.

Tốn thời gian quá. Thậm chí, nhiều nhóm nêu sai kiến thức nhưng giáo viên không kịp điều chỉnh dẫn đến học sinh tiếp nhận kiến thức chưa đúng.

Đừng để tích cực thành lạm dụng

Chia sẻ về phương pháp này, thầy giáo Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: Từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người thiết kế, tổ chức.

“Phương pháp này đúng là còn tương đối mới, vì thế bên cạnh những điểm tích cực đã đạt được thì thực tế cũng còn thiếu một định hướng chung nên dễ xảy ra làm mang tính chất ngẫu hứng, tự phát và tương đối tự do. Nếu thầy cô mà lạm dụng, giáo viên vất vả, học sinh vất vả, thậm chí còn tốn kém trong công tác chuẩn bị mà hiệu quả lại không cao”.

Đồng quan điểm, theo cô giáo Phạm Thái Lê - giáo viên Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) - điểm tích cực thì có thể dễ dàng thấy nhưng mặt chưa được cũng cần tìm hướng giải quyết. Nhiều môn thuyết trình chồng chéo cùng lúc nên hiệu quả làm việc của học sinh không cao.

Thậm chí, có một số giáo viên dựa vào phương pháp mới này để gần như “trao lại việc cho học sinh”, giáo viên chỉ nghe, giảng sơ qua và chấm điểm. Về phía học sinh, lâu nay đã quen với việc học thụ động nên khi phải chủ động làm việc thì thấy rất mệt và ngại.

Việc hoạt động nhóm, tự làm việc của học trò vẫn cần phải sự rất sát sao của giáo viên thì phương pháp này mới hiệu quả thực sự.

Điểm mấu chốt chính là ở cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên. Giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, nghiệp vụ sư phạm lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học sinh mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của giáo viên.

Giáo viên phải lường trước các tình huống sai sót mà học sinh không làm được để có chỉnh sửa, bổ sung, hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng để học sinh tiếp thu sai kiến thức.

Thứ hai, cần lựa chọn những vấn đề có khả năng thuyết trình mà học sinh cảm thấy hấp dẫn, phù hợp với trình độ nhận thức, tâm trạng của người học.

Cùng với đó, việc phân công công việc tránh hiện tượng có em thì làm nhiều, em thì không có đóng góp gì. Giáo viên phải kết hợp đánh giá của thầy cô với việc học trò tự đánh giá lẫn nhau.

“Việc kiểm tra, đánh giá không thể dừng lại ở yêu cầu tái hiện các kiến thức, lặp lại các kĩ năng đã học mà phải khuyến khích trí thông minh, óc sáng tạo trong việc giải quyết những tình huống thực tế.

Tôi từng cho một em thuyết trình kém hơn các bạn khác điểm 10 bởi em ấy đã tiến bộ vượt bậc so với năng lực của bạn ấy. Đánh giá từng khía cạnh và trên tinh thần tiến bộ của từng em thì sẽ tạo được hứng thú. Nếu cứ để các em học một kiểu thì sẽ khiến các em nhanh chán”, bà Lê cho biết.

Các giáo viên cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta cần phải nhớ rằng hiện nay không có một phương pháp nào là duy nhất cho tất cả các môn học, không có phương pháp nào áp dụng cho tất cả người dạy.

Vì vậy, để thực sự tối ưu quá trình dạy học chúng ta phải biết kết hợp các phương pháp khác nhau, lấy ưu điểm của phương pháp này để khắc phục những hạn chế của phương pháp khác, như vậy mới thực sự có chất lượng.

 

https://laodong.vn/xa-hoi/lam-dung-thuyet-trinh-trong-truong-hoc-giao-vien-nhan-hoc-sinh-de-hong-kien-thuc-887028.ldo

Theo HUYÊN NGUYỄN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.