Lâm Đồng tạm cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo quy định, việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, hạn mức cho thuê môi trường rừng tối thiểu là 10ha, tối đa là 100ha với thời gian cho thuê tối đa không quá 30 năm.
Theo Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thì chủ rừng cho thuê là các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp.
Đối tượng được thuê là mọi tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Theo quy định này, tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra 6 nguyên tắc cho thuê môi trường rừng như: vừa đảm bảo thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân, nhà nước.
Việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt. Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che phục vụ hoạt động kinh doanh tùy thuộc diện tích đất trống và diện tích thuê.
Cụ thể với diện tích từ 10-30ha, tỷ lệ công trình mái che không quá 3% tổng diện tích thuê, diện tích thuê từ 30-60ha thì tỷ lệ công trình không quá 2,5%... Với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị thuê một địa điểm thì sẽ tổ chức đấu giá cho thuê môi trường rừng…
Cũng theo quy định này, mức giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận, nhưng không thấp hơn 1,5% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê. Tiền thu được từ hoạt động cho thuê là nguồn thu của nhà nước, đồng thời được cân đối và trích tỷ lệ phù hợp, cấp lại cho chủ rừng để hoạt động quản lý việc cho thuê môi trường rừng.
Thẩm quyền các dự án này do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của Hội đồng thẩm định…
Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “thủ phủ” của du lịch canh nông, du lịch dưới tán rừng, sau khi những chính sách của địa phương khuyến khích đầu tư loại hình du lịch mới mẻ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều chủ dự án thực hiện không đúng quy định của nhà nước, thậm chí vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng.
Theo báo cáo số 508/BC-SNN ngày 31/12/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh có 329 dự án do 314 doanh nghiệp, hộ gia đình được giao, thuê đất lâm nghiệp để đầu tư triển khai dự án trên đất rừng.
Tổng diện tích đất được các tổ chức, cá nhân trên sử dụng là 52.956ha. Nhưng tại nhiều dự án đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư các dự án trên không triển khai; triển khai chậm tiến độ; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ diện tích rừng được thuê; để rừng bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn. Một số đơn vị khác thì tự nguyện trả lại dự án.
Trước tình trạng trên, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thu hồi 194 dự án với diện tích đất lâm nghiệp 29.676ha. Trong số đó, có 159 dự án với diện tích 25.467ha phải thu hồi toàn bộ; 35 dự án với diện tích 4.209ha thu hồi một phần.
Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.