Lâm Đồng: Hỗ trợ chuyển đổi hơn 500 hộ kinh doanh sang doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là con số mong muốn do UBND tỉnh Lâm Đồng đề ra trong Kế hoạch tuyên truyền hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đến năm 2020.
Trong đó, năm 2019 sẽ hỗ trợ chuyển đổi được 262 hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp; năm 2020 sẽ hỗ trợ 282 hộ. Chỉ tiêu được giao cụ thể cho các địa phương, như: TP. Đà Lạt: 100 hộ, TP. Bảo Lộc: 60 hộ, huyện Đức Trọng: 60 hộ; huyện Lâm Hà: 51 hộ, huyện Đơn Dương: 48 hộ…
 
Nhiều hộ kinh doanh cá thể "ngại" chuyển đổi thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục rườm rà và kinh doanh không hiệu quả (Ảnh minh họa)
Mục đích của Kế hoạch là để cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 10.000 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, với tốc độ tăng trưởng cao về số lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách đầu tư, đất đai, các chính sách ưu đãi về thuế, xuất nhập khẩu, tín dụng…
Theo Kế hoạch, khi các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ, như: Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong thời gian 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật; ưu tiên được vay vốn tại Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV…
Để hoàn thành được mục tiêu này, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban ngành và các địa phương phải nghiêm túc triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước; đánh giá tình hình, quy mô hoạt động của các hộ kinh doanh trên địa bàn để làm cơ sở thực hiện việc vận động chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng hơn 34.000 hộ kinh doanh cá thể, nhiều nhất là ở huyện Đức Trọng (hơn 8.000 hộ) và TP. Đà Lạt (hơn 6.000 hộ). Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động và số lượng các doanh nghiệp được thành lập hàng năm bình quân khoảng trên 15%.
Viên Hữu (DNVN)

Có thể bạn quan tâm