La Nina có thể quay lại vào tháng 9, mưa lũ dồn dập cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những nhận định mới nhất cho thấy, La Nina có thể xuất hiện vào khoảng tháng 9-10 năm nay, khiến cho tình hình mưa bão những tháng cuối năm ở miền Trung hết sức phức tạp, khó lường.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay ENSO đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8. Từ tháng 9-10, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%.

Mưa bão gây ngập úng ở Tam Kỳ, Quảng Nam năm 2020. Ảnh: Hoài Văn.

Mưa bão gây ngập úng ở Tam Kỳ, Quảng Nam năm 2020. Ảnh: Hoài Văn.

Thống kê ở Việt Nam cho thấy, những năm có La Nina, số cơn bão trên Biển Đông ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn bình thường khoảng 28%, tập trung vào nửa cuối mùa bão (tháng 9, 10, 11) ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.

Các đợt La Nina cũng thường gây ra lượng mưa vượt trung bình ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Gần nhất năm 2020, sự tác động của La Nina đã gây ra một mùa bão kinh hoàng ở các tỉnh miền Trung với liên tiếp các cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm khi thời gian này thường có 6-7 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, 3 cơn vào đất liền nước ta.

Nhận định xa hơn, từ tháng 11/2024-1/2025, La Nina sẽ tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 70-80%. Thời gian này trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 3-4 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 1-2 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số dự báo này cũng lớn hơn so với trung bình nhiều năm.

Cơ quan khí tượng đặc biệt lưu ý đến khả năng hình thành các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tại chính Biển Đông với diễn biến nhanh, thường ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Hai cơn bão/áp thấp nhiệt đới năm nay đều hình thành từ chính Biển Đông.

Cơn bão số 1 (tên quốc tế là MALIKSI) hình thành từ một trong đó vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, nhanh chóng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào chiều 30/5 và tiếp tục mạnh lên thành bão ngày 31/5. Cơn bão này sau đó di chuyển vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) gây mưa rất lớn cho khu vực này. Mới đây, ngày 13/7, áp thấp nhiệt đới cũng hình thành từ một vùng áp thấp khu vực giữa Biển Đông, nhanh chóng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hướng về các tỉnh miền Trung nước ta, gây mưa lớn diện rộng.

Việt Nam đang trải qua một thời kỳ hơn 630 ngày không ghi nhận cơn bão nào đổ bộ. Theo số liệu thống kê, đây là quãng thời gian dài kỷ lục không có bão đổ bộ vào nước ta. Các cơn bão trong năm 2023 đều “né” Việt Nam, chỉ có một áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cơn bão duy nhất tính đến thời điểm này trong năm 2024- bão MALIKSI cũng đi lên phía Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm