Kỳ vọng tạo ra sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ lan kim tuyến và sâm đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sau 3 năm triển khai, Đề tài “Nghiên cứu xác định thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus) và cây sâm đá (Curcuma singularis) để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư” đã mở ra cơ hội phát triển dược liệu tại địa phương.

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư từ cây lan kim tuyến và sâm đá, UBND tỉnh đã thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), đơn vị chủ trì thực hiện nghiên cứu là Viện Sinh học nhiệt đới triển khai đề tài “Nghiên cứu xác định thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus) và cây sâm đá (Curcuma singularis) để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư”.

Đề tài được triển khai từ tháng 9-2020 với tổng kinh phí 2,15 tỷ đồng (trong đó, kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh 1,35 tỷ đồng; kinh phí từ VAST 800 triệu đồng).

Cây lan kim tuyến (hay còn gọi là cây lan gấm, cây kim cương) thuộc họ Orchidaceae. Theo Đông y, lan kim tuyến tươi hoặc khô đun sôi lấy nước uống dùng để điều trị đau ngực và đau bụng, bệnh tiểu đường, viêm thận, sốt, tăng huyết áp, liệt dương, rối loạn gan, lá lách, trị rắn cắn…

Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây chứng minh cây lan kim tuyến có hoạt tính tăng cường miễn dịch và hoạt tính kháng ung thư trên cả mô hình thực nghiệm in vitro và in vivo.

Còn sâm đá (hay còn gọi là cây khỏe) thuộc chi nghệ, họ gừng, bộ gừng. Thân rễ và củ cây sâm đá có tác dụng bồi bổ sức khỏe, cường gân, bổ cốt, tăng sinh lực, trị phong thấp, bổ thận, hạn chế suy nhược cơ thể và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Loại cây này được phân bố chủ yếu ở huyện Kbang và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Lan kim tuyến rừng. Ảnh minh họa

Lan kim tuyến rừng. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Đoàn Chính Chung-Đại diện nhóm thực hiện đề tài-cho biết: Đề tài đã xác định được một số thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học (kháng ung thư) có trong cây lan kim tuyến và cây sâm đá.

Chẳng hạn, hoạt chất Isorhamnetin trong lan kim tuyến có tác dụng chống ung thư mạnh trong các nghiên cứu in vitro trên các dòng tế bào ung thư khác nhau; hoạt chất Germacrone trong cây sâm đá có khả năng ức chế nhiều loại tế bào ung thư khác nhau như tế bào ung thư vú MCF7, tế bào ung thư gan HepG2; tế bào ung thư thần kinh đệm, tế bào ung thư dạ dày AGS…

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu đánh giá tính an toàn cho thấy cao chiết lan kim tuyến không gây độc cho động vật thí nghiệm với các mức liều thử nghiệm, ngược lại, cao chiết sâm đá có một số ảnh hưởng gây độc, đặc biệt là cho cơ quan chuyển hóa gan khi sử dụng với liều lượng cao trong một thời gian dài.

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm cao chiết và sản phẩm viên nén (bao phim) chứa cao chiết từ lan kim tuyến và sâm đá. Đây là các bộ tiêu chuẩn được xây dựng theo Dược điển Việt Nam V. Đồng thời, nghiên cứu có được các bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho sản phẩm cao chiết và sản phẩm viên nén (bao phim).

Đây là cơ sở cho việc phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm (đạt chuẩn GMP) trong tỉnh để việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm ở quy mô pilot (là quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất) và quy mô thương mại.

Đề tài được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh ngày 30-6-2023 xếp loại xuất sắc. Sau đó, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiệm thu ngày 15-9-2023 và cũng xếp loại xuất sắc.

Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc hợp tác liên kết với doanh nghiệp sản xuất dược hoặc liên kết với các trung tâm, hợp tác xã tại địa phương trong việc sản xuất chế phẩm với quy mô lớn và tiến tới thương mại hóa.

Một số doanh nghiệp trong tỉnh dự kiến có thể được chuyển giao công nghệ như: Công ty cổ phần Dược-Vật tư y tế Gia Lai, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Gia Lai, Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển y tế Trung Thịnh Phát.

Nói về điều này, ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh-chia sẻ: “Việc Gia Lai phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới nghiên cứu thành công sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư là điều đáng phấn khởi. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận công nghệ và sản xuất sản phẩm khi đã nghiên cứu được thị trường”.

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: “Hiện nay, một số cây dược liệu tại Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.

Thành công của nghiên cứu này sẽ là cơ sở để khôi phục và phát triển dược liệu quý, giúp nhà quản lý trong việc hoạch định các chính sách phát triển dược liệu của địa phương như bảo tồn các giống cây quý hiếm, quy hoạch nuôi trồng và phát triển các vùng dược liệu để phát triển, nâng cao giá trị, trong đó có cây lan kim tuyến và sâm đá.Đồng thời, có thể định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sản phẩm có giá trị về y tế và kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ này cũng là cơ sở nền tảng để chuyển giao quyền, hỗ trợ cho các đơn vị doanh nghiệp dược trong việc xây dựng kế hoạch hợp tác sản xuất và thương mại hóa, đưa các sản phẩm từ cây lan kim tuyến và sâm đá ra thị trường trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm