(GLO)- Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành của chính quyền nhân dân các cấp, sau 41 năm kể từ ngày giải phóng, từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự cung tự cấp, Gia Lai đã có một nền kinh tế hàng hóa phát triển đa dạng, có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự thay da đổi thịt ấy càng rõ ràng hơn qua lời kể của những cán bộ lão thành, hay những người sinh ra, lớn lên và hiện vẫn gắn bó với mảnh đất này.
Ông Tô Tử Đông-nguyên Bí thư Thị ủy Pleiku, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Gia Lai:
...Pleiku trước giải phóng là một thị xã tiêu thụ, chỉ phát triển về dịch vụ chứ hầu như không có cơ sở sản xuất nào. Lương thực thực phẩm lúc đó được vận chuyển từ nơi khác về. Bởi vậy, sau giải phóng, nguy cơ đói đã xuất hiện. Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đảng khu 9 đã quyết định họp bàn với nhau để lo việc sản xuất. Theo đó, dân nội thị đã được đưa ra vùng ven để trồng hoa màu hình thành nên các điểm kinh tế mới ở các vùng ngoại vi như: Vườn Mít, Lò Than (nay thuộc xã Diên Phú), Trà Đa (xã Trà Đa), 17-3 (phường Yên Thế), xã Gào, Ia Lu (nay là xã Hòa Phú, huyện Chư Pah)... Pleiku dần trở thành một thị xã sản xuất. Có thể nói, sự phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội của thị xã Pleiku sau ngày giải phóng chủ yếu là nhờ yếu tố con người. Ngoài sự nỗ lực, chăm chỉ của người dân trong lao động sản xuất để thoát đói thoát nghèo thì công đầu là nhờ vào đội ngũ cán bộ đã có tầm nhìn xa trông rộng trong việc quy hoạch vùng và trong điều hành lãnh đạo, chỉ đạo. Cho tới hôm nay, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cũng đã kế thừa và phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được đó.
Dân cư tỉnh ta là dân nhiều nơi tụ họp về, tạo nên một cộng đồng vô cùng phong phú cả về dân tộc, văn hóa, tập quán... Bởi vậy, chúng ta phải xây dựng một Gia Lai cởi mở, phóng khoáng và không thể cục bộ. Để làm được vậy, trước tiên, cán bộ phải gần dân, làm thật tốt công tác dân vận, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân. Ngày trước, muốn ra một quyết định cấm gì là phải làm tuyên truyền tận cơ sở cả tuần liền để dân hiểu, sau đó mới cấm. Nguyễn Du từng nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, vì vậy, làm cán bộ phải có tâm. Cán bộ làm được việc là cán bộ dám nói thẳng và trung thực, không ngại va chạm, không xu nịnh. Cán bộ bây giờ bằng cấp nhiều, nhưng cần phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư tưởng và phong cách làm việc, phải gần dân, làm tốt công tác dân vận, không được quan liêu. Và quan trọng nữa là, người làm lãnh đạo giỏi phải biết dùng người, có như vậy chúng ta mới có thể phát triển vững mạnh và toàn diện.
Ông Nguyễn Tuấn-Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai:
Ngày Gia Lai mới giải phóng, tôi là một cậu học sinh học lớp 12, đủ lớn để cảm nhận được sự khó khăn, cực khổ khi quê hương bắt đầu bước vào công cuộc kiến thiết. Hồi ấy, hầu hết người dân đều phải làm ruộng làm rẫy, ai không có đất thì thuê đất của đồng bào để làm. Cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Chỉ có đường Phan Bội Châu là có vài căn nhà cao tầng, viễn thông hoàn toàn không có, đường sá chỉ là những con đường đất đỏ. Thực sự người dân lúc đó chỉ mong được ăn no mặc ấm.
Song với sự đồng lòng của toàn dân, công cuộc kiến thiết diễn ra rất sôi nổi. Với sự thành công của vụ Đông Xuân đầu tiên trên “cánh đồng mẫu” An Phú, thị xã Pleiku trở thành nơi làm lúa 2 vụ đầu tiên trên đất Tây Nguyên. Sau khi cơ bản tự lực được về lương thực, từ năm 1980 thị xã bắt đầu đi lên bằng nông nghiệp, nhiều vùng đã bắt đầu xanh màu cà phê. Bây giờ, Gia Lai đã thay đổi cả ngàn lần về cấu trúc vật chất. Đường sá được nhựa hóa, bê tông hóa đến từng ngõ xóm. Số gia đình có ô tô ngày một nhiều lên. Mức sống của người dân cao, cao hơn nhiều so với nhiều tỉnh trong cả nước. Đây cũng là vùng có nhiều đại gia hồ tiêu, cà phê so với các tỉnh trong khu vực. Cơ sở hạ tầng phát triển thật nhanh chóng. Có thể khẳng định đây là hệ quả tất yếu sau khi ta thực hiện đổi mới, xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”. Lưu thông hàng hóa thông suốt, kéo theo đó là sự cải thiện về giá cả hàng hóa, người dân được hưởng lợi trực tiếp.
Nghệ sĩ Dân gian HBen (thị trấn Kông Chro):
Những năm đổi mới vẫn còn lưu lại khá đậm nét trong tâm trí tôi. Khi ấy, Pleiku chỉ là một đô thị nhỏ. Người dân hầu hết còn nghèo đói, thiếu thốn. Năm 1986 khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới thì tôi đang là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Tây Nguyên. Trường lúc đó quy mô rất lớn, tuyển sinh học viên ở cả 7 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Mặc dù vậy, cơ sở vật chất dạy và học của trường còn nghèo nàn, phần nhiều vật dụng phải đi xin của các đơn vị quân đội về để sử dụng. Trước đổi mới, giáo viên, học viên sống rất thiếu thốn, chật vật. Thậm chí, tôi và đồng chí Trưởng phòng Hành chính lúc bấy giờ còn phải đi mua bí của bà con người địa phương, chuyển xuống Quy Nhơn để đổi lấy cá cho cán bộ, giáo viên và học viên cải thiện bữa ăn. Vài lần khi vận chuyển bí xuống Quy Nhơn để đổi cá, chúng tôi bị bắt. Có lần bực quá, tôi bảo các đồng chí... đi theo tôi để xem có đúng là đổi cho học viên có cá ăn hay không, sau đó mới thôi. Ngày đó lương và trợ cấp của tôi được khoảng hơn 50 ngàn đồng/tháng, trong khi ngày còn công tác ở Hà Nội, tôi đã được hưởng chế độ dành cho ca sĩ loại I với mức lương hơn 70 ngàn đồng/tháng. Nhưng vì yêu nghề, yêu Tây Nguyên nên được về đây lao động, cống hiến là tôi hạnh phúc lắm, còn lại tôi không đắn đo, suy tính nhiều.
Sau đổi mới, cuộc sống dễ thở hơn rất nhiều. Mọi thứ trao đổi, làm ăn đã thông thoáng hơn nhưng đến những năm 1989-1991, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, cuộc sống người dân tiếp tục khó khăn. Quá thiếu thốn, tôi phải mang cả những bộ quần áo cũ của mình về vùng Kon Chiêng đổi lấy thóc gạo của dân làng để ăn. Bây giờ, Gia Lai khác quá, giàu đẹp quá. Ngày xưa Pleiku chỉ có vài con phố, nhộn nhịp nhất chỉ là khu vực ngã ba Diệp Kính. Bây giờ, ngay cả con đường Phạm Văn Đồng nơi trường tôi ngày xưa đóng chân vốn hoang vắng và cỏ phủ ngập lối thì cũng đã chen kín nhà cao tầng, phố xá tấp nập. Trường cũ bây giờ đã đổi tên, cơ sở vật chất hiện đại, điều kiện dạy và học tốt lắm. Đổi mới thực sự đúng như tên gọi của nó khi đem lại cho người dân chúng ta nhiều cái mới, giá trị mới trên nền của những cái cũ.
Hà Duy - Lê Hòa (thực hiện)