(GLO)- Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 4, tháng 5-mùa biển lặng, Bộ Tư lệnh Hải quân lại tổ chức cho những đoàn người từ đất liền ra thăm cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Tôi là một trong những người đã may mắn tham gia vào mùa biển lặng năm ấy, được đặt chân lên phần đất thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng dấu ấn về Trường Sa, về những người lính đảo vẫn không hề phai mờ trong tôi…
Gặp Gia Lai giữa Trường Sa
Năm ấy, đoàn chúng tôi đến thăm 11 điểm đảo trên tổng số 21 đảo chìm, nổi và 1 nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. Khi bắt đầu chuyến đi, tôi đinh ninh nơi biển cả sóng gió mênh mông này chắc không có người Tây Nguyên. Vậy mà chúng tôi đã có đến 4 lần hân hoan “tay bắt mặt mừng” với những đồng hương Gia Lai là những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các điểm đảo này.
Thế hệ tương lai của Trương Sa. Ảnh: B.N |
Đá Lớn A, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn là những đảo mà tôi đã gặp các anh. Ở đâu cũng có dấu ấn đặc biệt và không thể nào quên nhưng tôi vẫn nhớ nhất là khi gặp Đại úy Nguyễn Văn Bình ở đảo Nam Yết. Hôm ấy, cả đoàn lên đảo lúc 14 giờ 30 phút, chỉ huy thông báo chỉ có 1 giờ đồng hồ cho mọi hoạt động của đoàn trên đảo này. Vậy là hối hả ai vào việc nấy, tôi cũng tay máy, tay sổ tranh thủ tác nghiệp. Đang bận rộn với những cuộc phỏng vấn, bất ngờ một sĩ quan chạy đến hỏi: Chị có phải là người Gia Lai không? Không để tôi trả lời anh đã tiếp: Tôi là người Gia Lai-gia đình tôi đang sống ở đội 9, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang đấy! Gia Lai mùa này chắc là nắng gió lắm nhỉ?...
Cứ thế câu chuyện về quê nhà của người đồng hương cuốn tôi theo lúc nào không biết. Tôi không ngờ ở nơi đầu sóng, ngọn gió này, mọi sự đổi mới của vùng đất Gia Lai anh đều biết rõ. Anh nói, cuộc sống ở đảo chỉ thiếu tình cảm đất liền thôi còn mọi thứ đều đầy đủ. Ti vi bắt được nhiều kênh, sách báo cũng được chuyển ra kịp thời, điện thoại thông suốt… vì thế những thông tin từ đất liền được bộ đội cập nhật thường xuyên.
Anh kể, đã luân chuyển qua nhiều đảo và đây là lần thứ hai anh quay lại Nam Yết với vai trò nhiệm vụ là Phân đội trưởng Phân đội 85 lực lượng pháo chủ lực của đảo… Dường như khoảng cách xa lạ không tồn tại trong không gian đảo, bởi câu chuyện giữa tôi và anh đã thu hút hầu hết mọi ánh mắt và đặc biệt là cánh phóng viên đi cùng đoàn, ai cũng ngạc nhiên và lấy làm thú vị với chi tiết anh là con người của núi rừng Tây Nguyên mà gắn bó với biển cả, với lực lượng hải quân lâu đến vậy…
Trong tôi, một niềm tự hào cứ dâng trào cả dọc hải trình, bởi tôi tự hào về những người con của núi rừng Tây Nguyên đang góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, trời thiêng liêng. Thầm mong các anh cùng đồng đội luôn vững vàng niềm tin, chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trường học ở Trường Sa
“Năm ấy, khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã tôi đã rất bất ngờ, cả việc xung phong làm giáo viên tại nơi này cũng là điều mà chính tôi chưa hề nghĩ tới. Tuy nhiên, ra đảo, thấy đảo thiếu giáo viên, ban đầu chỉ xin dạy thêm, rồi làm giáo viên kiêm nhiệm và nghề giáo đã “chọn” tôi lúc nào tôi cũng không còn nhớ, bây giờ chỉ nghe tiếng trẻ ê a học bài là thấy vui, bớt nhớ đất liền. Nhưng quan trọng là khi dạy các cháu về chủ quyền biển đảo, tôi thấy thiêng liêng, tự hào được góp phần mình trong đó. Học sinh ở đây cũng thể hiện được bản lĩnh, tinh thần học tập, vượt khó của mình, những công dân Trường Sa chính hiệu”-thầy Ân nói.
Đến với lớp học, tôi cảm nhận một không khí học tập nền nếp, nghiêm túc dù mỗi lớp một nhóm, quay một hướng khác nhau. Sự giản dị, đơn sơ của lớp học không làm vơi đi sự lạc quan, quả cảm ở mỗi con người nơi đây. Giữa cái nắng, cái gió và mênh mông sóng nước đại dương, những nụ cười hồn nhiên luôn hiện hữu trên từng gương mặt trẻ thơ, những nụ cười rạng rỡ luôn nở trên gương mặt đen sạm của từng công dân trên đảo khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi sau một hải trình dài đằng đẵng…
Biết bao kỷ niệm thân thương trong chuyến đi đó mà tôi không thể kể hết được. Giờ đây, mỗi lần nghe nhắc đến Trường Sa là lòng tôi bồi hồi đầy cảm xúc. Để rồi, chỉ mong thêm một lần nữa lại được đến với Trường Sa.
Bích Nga