Kỹ năng sống... mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 tháng nay, vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thay vì đến trường thì 2 đứa trẻ nhà tôi phải ở nhà tự học như bạn bè đồng trang lứa. Mới đầu, như nhiều bậc phụ huynh khác, tôi rất lo lắng khi con thì nghỉ mà mẹ vẫn phải đi làm. Nhưng đến giờ thì tôi có thể yên tâm phần nào vì con đã tự trang bị những kỹ năng sống bổ ích mùa dịch. 
Ban đầu, tôi cứ thắc thỏm khi phải để con ở nhà một mình, bé chị thì mới học lớp 2, còn cậu em 5 tuổi. Thường ngày, con đi học về là tôi phải lo tắm rửa, xúc cho con ăn, giúp con học tập, sắp xếp bài vở. Vậy nên dù đã chuẩn bị đồ ăn và dặn dò kỹ càng, tôi vẫn có cảm giác không tin tưởng lắm khi giao đứa nhỏ cho đứa lớn. Hôm ấy, đến trưa, tôi chạy ù về nhà. Ngạc nhiên chưa, cô bé của tôi đã tự tắt ti vi từ lúc nào, xúc cơm ra chén cho em và con cũng tự ngồi ngay ngắn ngay bên cạnh, vừa ăn vừa động viên em. Đến chiều, khi tôi về đến nhà thì con gái đã tự dọn dẹp đồ chơi vào giỏ rất cẩn thận. Thấy mẹ về, con sà vào giúp tôi nhặt rau làm cơm. Đấy là việc chưa từng xảy ra, bởi mọi khi hễ đi học về là con liền ôm cứng lấy chiếc ti vi, mặc tôi làm việc nhà. Đến khi đi tắm, phải gọi mãi con mới chịu hợp tác.
Ngày thứ 2, ngày thứ 3, rồi đến cuối tuần, tôi chỉ theo dõi hoạt động của các con qua camera chứ không ghé về; các bạn tôi cũng vậy. Và đến lúc này, chúng tôi mới ngạc nhiên vỡ òa: Dường như con mình đã lớn! Mặc dù vẫn đôi lúc còn chành chọe với em và gọi điện mách mẹ nhưng chưa thấy mâu thuẫn lớn xảy ra; các con biết tự ăn, tự chăm sóc nhau mà không cần nhắc nhở. Bé lớn sau tuần đầu tiên đã biết quét nhà giúp mẹ, cậu em cũng thử bắt chước tập lau nhà.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Không phải sấp ngửa đưa đón, chăm sóc con cái giúp tôi thư thả hơn một chút, không còn cáu gắt như mọi ngày. Thay vào đó, khi con ào ra đón mẹ về và khoe thành tích trong ngày, tôi sẽ lắng nghe con lâu hơn, trò chuyện với con nhiều hơn. Nhờ đó không khí gia đình trong 2 tuần tiếp đó vẫn rất ổn định. Bé lớn sau khi nghỉ ngơi chán chê đã tự lấy tập vở ra học rồi tập làm cô giáo cho em. Chỉ cần nhìn 2 chị em chơi với nhau qua camera, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Con không còn bé như tôi tưởng. Các con của bạn tôi cũng đã có thể làm được nhiều việc hơn, như lên mạng xem clip nấu ăn để thực hành, giặt đồ, xếp đồ cho mẹ… Không những thế, các con còn biết nhắc nhở nhau phải rửa sạch tay, đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài.
Cái gọi là kỹ năng sống của các con những ngày ở nhà bỗng tăng lên một cách đáng kể, không còn cảnh ỷ lại bố mẹ như những ngày đi học hay dịp cuối tuần. 2 chị em cũng bớt cãi nhau chí chóe, ngược lại học hỏi nhau nhiều hơn. Đến lúc này, tôi mới thấm thía câu nói của chị bạn, rằng càng bảo bọc thì con lại càng không biết việc để làm.
Dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại nên nếu cho con đi học thì nhiều gia đình vẫn chưa thực sự yên tâm. Những sắp xếp ban đầu mang tính thời vụ đã chuyển sang thế lâu dài, những đứa trẻ vốn quen được bảo bọc nay đã bắt đầu tự lập. Và chúng tôi, những người mẹ trẻ chợt nhận ra rằng yêu thương bằng cách làm thay cho con như trước kia đã vô tình tước bỏ đi kỹ năng sống của con. Có thể nói, nhờ đợt dịch này mà các bà mẹ trẻ ở cơ quan tôi, các bạn tôi đã có một bài học về cách buông con đúng lúc, để con được lớn, được khám phá và hình thành cho mình những kỹ năng riêng.
KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.