(GLO)- Trong phiên thảo luận tổ vào chiều ngày 4-1, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn, các đại biểu đoàn Gia Lai đã có nhiều ý kiến quan trọng đóng góp vào dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo dự thảo, chương trình sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022-2023, gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng-chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Tham gia thảo luận tại tổ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn thống nhất cao với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên nhằm giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, dịch Covid-19 diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ nên sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư nhiều mặt cho công tác phòng-chống dịch. “Trong đảm bảo an sinh xã hội và việc làm, tôi đồng ý với nhiều ý kiến là sự cần thiết đầu tư, hỗ trợ thêm cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để giải ngân, cho vay với lãi suất ưu đãi, trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số. Về chính sách thuế, tôi cũng thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa… Tuy nhiên, tôi nhất trí cao với quan điểm, mọi chính sách hỗ trợ, miễn giảm không được ảnh hưởng đến thu ngân sách của quốc gia và bội thu ngân sách phải được kiểm soát ở mức cho phép”-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu ý kiến.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Tấn |
Còn đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-cho rằng: Năm qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khâu sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ. Do đó, các giải pháp hỗ trợ cần tập trung vào 3 khâu: quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa. Chẳng hạn, khâu sản xuất hàng hóa thì cần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động thông qua các chương trình như cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; khâu đưa sản phẩm ra thị trường thì cần hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, logistics, các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chương trình cho vay xuất khẩu, giảm chi phí cầu đường, bến bãi; hỗ trợ tiêu dùng hàng hóa thì cần giảm thuế VAT, lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, cho vay tiêu dùng…
Đại biểu Siu Hương đề nghị: “Tôi đồng thuận cao về giải pháp giảm 2% thuế VAT. Đây là giải pháp hết sức cụ thể, bám sát thực trạng hiện nay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, cần quan tâm đến các đối tương doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là đối tượng bị tổn thương nặng nề do dịch Covid-19; cần phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho vay, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…”.
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Quang Tấn |
Theo đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội kịp thời tạo sự đột phá và sự lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế sẽ giúp sớm phục hồi kinh tế và tạo nền tảng phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc triển khai cần có tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể và phải làm ngay nội dung triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi. Các chính sách hỗ trợ phải có tính kết nối, kế thừa các chính sách triển khai trước đây, trong đó cần chú trọng các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, không để xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong thời gian ngắn.
Liên quan đến công tác phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh Gia Lai, đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-cho rằng: Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng. Trong khi ngân sách phục vụ cho công tác chống dịch của tỉnh thì khá hạn hẹp. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến Gia Lai, nhất là nguồn chi cho công tác phòng-chống dịch, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
QUANG TẤN