(GLO)- Nhằm nâng cao giá trị nông sản trên thị trường, Hội Nông dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã quan tâm hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc cho nông sản.
Năm 2019, gia đình anh Trần Đình Đạt (thôn 9, xã Chơ Long) trồng gần 1.500 trụ thanh long ruột tím hồng trên diện tích 1,2 ha. Hơn 1 năm sau, vườn cây bắt đầu ra quả bói và dần cho năng suất ổn định 60-70 tấn/ha. Với vẻ ngoài bắt mắt, quả thơm ngon và giàu dinh dưỡng, thanh long ruột tím hồng của anh Đạt được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu bán tại các chợ chứ chưa có mặt ở siêu thị, chuỗi cửa hàng trái cây an toàn. Năm 2021, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, anh Đạt đã hoàn thành việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thanh long ruột tím hồng, mở ra cơ hội đưa loại trái cây này vươn xa hơn trên thị trường.
|
Chị Lưu Thị Lâm (vợ anh Trần Đình Đạt; thôn 9, xã Chơ Long) chăm sóc vườn thanh long ruột tím hồng của gia đình. Ảnh: Mộc Trà |
“Hiện nay, giá thanh long dao động trong khoảng 18-20 ngàn đồng/kg. Nếu được đưa vào các siêu thị, kênh bán hàng lớn có uy tín hoặc xuất khẩu thì chắc chắn giá sẽ còn cao hơn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tạo được uy tín, sự tin cậy của người tiêu dùng, chúng tôi chú trọng canh tác thanh long theo hướng hữu cơ và phấn đấu để sản phẩm sớm đạt OCOP cấp tỉnh. Dự kiến trong năm tới, gia đình sẽ trồng thêm 1,1 ha thanh long ruột tím hồng vì hiệu quả kinh tế mang lại khá tốt”-anh Đạt cho hay.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, anh Trịnh Xuân Anh (thôn 2, xã Kông Yang) quyết tâm tham gia. “Cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, tôi còn chủ động tìm hiểu quy trình, thủ tục để có thể xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của gia đình, trước mắt là nhãn lồng Hương Chi (T6)”-anh Trịnh Xuân Anh chia sẻ. Hiện gia đình anh đang có 4 ha cây ăn quả, chủ lực là nhãn với 800 cây, tiếp đến là 500 cây na dai, 400 cây dừa xiêm lùn. Vườn nhãn đã cho thu hoạch gần 3 năm, trung bình mỗi năm khoảng 4,5 tấn, đem về nguồn thu 120 triệu đồng/năm.
|
Anh Trịnh Xuân Anh (thôn 2, xã Kông Yang) tìm hiểu để xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhãn T6. Ảnh: Mộc Trà |
Huyện Kông Chro có trên 150 ha cây ăn quả các loại, tập trung chủ yếu ở các xã: Chơ Long, Yang Trung, Kông Yang, An Trung, Đak Kơ Ning, Sró và thị trấn Kông Chro. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngô Hữu Luật, những năm qua, để nâng tầm giá trị của các sản phẩm đặc sản địa phương, Hội tích cực vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu cho nông sản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn nhất định nên đến cuối năm 2021, huyện mới có 1 sản phẩm thanh long ruột tím hồng được cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc.
“Qua khảo sát và lựa chọn, trong năm 2022, Hội sẽ hướng dẫn xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhãn T6 của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang. Mọi thủ tục hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương liên quan để rà soát, hỗ trợ khoảng 5.608 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhằm kết nối, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi sản phẩm”-ông Luật thông tin.
Có thể nói, việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương; đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn.
MỘC TRÀ