(GLO)- Những năm qua, nhiều nông dân huyện Kông Chro, Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể; nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Cũng như nhiều gia đình ở làng Rơng (xã Yang Nam), hộ ông Đinh Brung trước đây quanh năm đói nghèo do chưa biết cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ khi được tập huấn kỹ thuật, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 8 ha đất trồng lúa rẫy sang trồng mì, bí đỏ và bắp lai. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng đã chuyển toàn bộ đàn bò sẻ địa phương có trọng lượng nhỏ sang chăn nuôi bò lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện đàn bò của gia đình ông có 16 con, chủ yếu là bò sinh sản. Ông Đinh Brung chia sẻ: “Trước kia, nhà mình nghèo đói miết. Từ khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thu nhập gia đình đạt bình quân từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm”.
Ông Đinh Brung bên con bò mới mua. Ảnh: Ngô Chiến |
Cách đây hơn 10 năm, gia đình anh Vũ Văn Thuế (thôn 9, xã Yang Trung) cũng quẩn quanh với các loại cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2011, trên diện tích 4 ha, anh quyết định dành ra 2,5 ha trồng nhãn, na; diện tích còn lại anh trồng cây ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”. Anh tự tìm tòi học hỏi ở các vườn cây trong huyện và các huyện khác về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả. Năm 2018, vườn nhãn bắt đầu cho thu hoạch. Anh Thuế cho biết: “Sau khi thu hoạch 1 ha nhãn, gia đình bán được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn hơn 100 triệu đồng. So với các loại cây ngắn ngày thì cây nhãn, cây na cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Kông Chro, những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững” có sức lôi cuốn và cổ vũ mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên, nông dân. Các hộ gia đình khi tham gia phong trào luôn có tinh thần đoàn kết giúp nhau về giống, ngày công, hỗ trợ nhau áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ sản xuất với hộ kinh doanh... góp phần giúp nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2.600 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Bà Đinh Thị Biu-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kông Chro-cho biết: Những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội, thực hiện nghĩa vụ công dân, sẵn sàng giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, như hộ bà Vũ Thị Pha (thôn 9, xã Chơ Long) với trên 20 ha cây trồng các loại, lợi nhuận thu về trên 500 triệu đồng/năm; hộ anh Phạm Văn Khởi (thôn 8, xã Chơ Long) với 11 ha mía và chăn nuôi, hàng năm thu 300-350 triệu đồng; hộ chị Đinh Hmei (xã Đak Kơ Ning) với 20 ha cây trồng các loại và chăn nuôi 60-70 con bò, lợi nhuận hàng năm khoảng 500 triệu đồng...
Ngô Chiến