Kông Chro chủ động phòng-chống hạn cho cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ứng phó với khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng vào cuối vụ.

Ya Ma là xã thường xuyên gánh chịu thiệt hại do hạn hán gây ra. Bởi lẽ, ngoài nguồn nước từ sông Pơ Kơ và suối Hway, trên địa bàn xã không có công trình thủy lợi nào. Thêm vào đó, việc đào ao hay khoan giếng để tích nước cũng vô cùng khó bởi địa hình đa phần là đồi núi, mạch nước ngầm khá yếu, lại lẫn quá nhiều đá tảng. Để giúp người dân hạn chế thấp nhất thiệt hại khi nắng hạn, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con canh tác chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

Ông Lê Hồng Tân-Chủ tịch UBND xã Ya Ma-cho hay: “Chúng tôi đã hướng dẫn bà con lựa chọn giống cây trồng phù hợp, thích nghi với thời tiết nắng hạn; đào ao, hồ nhỏ để lấy nước tưới và sử dụng máy bơm nước từ các khe suối phục vụ chống hạn; đồng thời khuyến cáo họ chỉ canh tác ở những nơi gần sông, suối, có nguồn nước tưới và không sản xuất ở khu vực đồi cao”.

Bà Đinh Thị Blang (làng Tnùng 1, xã Ya Ma) cuốc xới mấy thửa ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ mùa khi có mưa. Ảnh: Hồng Thi
Bà Đinh Thị Blang (làng Tnùng 1, xã Ya Ma) cuốc xới mấy thửa ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ mùa khi có mưa. Ảnh: Hồng Thi

Thực hiện nghiêm khuyến cáo của UBND xã Ya Ma, gia đình bà Đinh Thị Blang (làng Tnùng 1) không gieo trồng lúa trên chân ruộng cao trong vụ Đông Xuân 2020-2021. Những ngày này, bà Blang đang tranh thủ cuốc xới lại mấy đám ruộng để phơi ải, đợi mưa mới tiến hành gieo sạ.

“Tôi có hơn 7 sào đất nhưng đều không gần sông, suối. Cây trồng xuống chỉ nhờ nước trời nên mùa này tôi không xuống giống vì sợ hư hại. Mong trời sớm mưa để chúng tôi có thể tiếp tục canh tác”-bà Blang chia sẻ.

Để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho 5,5 ha ớt và bí đỏ đang đến kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Dư (làng Hơn, xã Ya Ma) đã bỏ ra 50 triệu đồng cải tạo lại ao và sử dụng 6 máy bơm tưới liên tục mỗi ngày. Ông Dư bày tỏ: “Do mạch nước ngầm rất yếu nên ao đào hầu như không có nước. Tôi phải bơm chuyển nước từ suối về ao rồi mới tiếp tục bơm tưới cho cây trồng. Hy vọng sắp tới, giá bí và ớt tăng cao để bù lại chi phí đầu tư”.

Ông Nguyễn Văn Dư (làng Hơn, xã Ya Ma) bơm nước từ ao để tưới cho 5,5 ha ớt và bí đỏ. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Văn Dư (làng Hơn, xã Ya Ma) bơm nước từ ao để tưới cho 5,5 ha ớt và bí đỏ. Ảnh: Hồng Thi

Theo nhận định của người dân, đến thời điểm hiện tại, lượng nước vẫn đảm bảo tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, không vì thế mà bà con chủ quan trong phòng-chống hạn. Ông Nguyễn Đình Nam-Trưởng thôn 2 (xã Đak Pơ Pho) cho hay: “Dù thời tiết vẫn chưa có dấu hiệu gay gắt nhưng nhiều hộ dân đã chủ động đào ao nhỏ để lấy nước tưới cho cây trồng. Đến nay, khoảng 50% số gia đình trong thôn có ao. Trước đó, khi gieo trồng vụ Đông Xuân, bà con cũng đã giảm diện tích, chuyển đổi từ cây bắp sang trồng các loại cây chịu hạn cao hơn như mía, cây ăn quả”.

Trên địa bàn huyện Kông Chro hiện có 16 công trình thủy lợi gồm: 1 hồ chứa, 14 đập dâng và 1 trạm bơm. Dự kiến, diện tích tưới trong vụ Đông Xuân năm 2020-2021 khoảng 134,5 ha lúa nước, 77 ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện tại, tất cả công trình đều đang vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do đập tràn tự chảy không có khả năng tích trữ và điều tiết nước nên nếu trong thời gian tới không có mưa thì khả năng một số công trình sẽ bị giảm lưu lượng và thiếu nước.

“Đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra hạn hán. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ Đông Xuân, huyện đã có kế hoạch phòng-chống hạn cho cây trồng với những giải pháp hết sức cụ thể. Theo đó, huyện đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước, vận động người dân nạo vét kênh mương; khuyến cáo bà con gieo trồng đúng khung thời vụ; dừng sản xuất đối với diện tích có nguy cơ bị hạn hán cao, diện tích cây trồng cạn không chủ động được nguồn nước. Riêng diện tích lúa nước nằm trong phạm vi tưới của công trình đã bị hạn trong vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện vận động người dân chuyển sang cây trồng cần ít nước hoặc dừng sản xuất.

Đến nay, bà con đã gieo trồng được 5.527,6 ha cây trồng các loại, đạt 141,2% kế hoạch. Nếu xảy ra hạn hán, huyện sẽ ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao”-ông Hưng thông tin.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.