Kon Tum: Thủy điện tích hay xả nước, người dân đều gánh hậu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số thủy điện ở Kon Tum đã tích nước, xả nước không đúng quy trình làm nhiều diện tích càphê, hồ tiêu của người dân bị khô hạn, thiếu nước. Nguy hiểm hơn, khi thủy điện xả nước bất ngờ làm mực nước dâng cao đe dọa đến tính mạng người dân. Tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các chủ nhà máy thủy điện tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thủy điện Đắk PôNe 2AB (Kon Tum) tích nước khiến một vùng khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh THANH TUẤN
Thủy điện Đắk PôNe 2AB (Kon Tum) tích nước khiến một vùng khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh THANH TUẤN
Dân nghèo khốn đốn vì thủy điện
Đang trong mùa khô, nhiều hộ dân ở huyện Kon Rẫy cần nguồn nước từ sông để tưới tiêu cho hàng trăm hécta càphê, hồ tiêu. Chị Nguyễn Thị Tình, người dân thị trấn Đăk Rve cho biết, gia đình trồng 8ha càphê, mùa khô năm nay cây bị thiếu nước, còi cọc rồi khô héo, khi vào vụ thu hoạch sẽ cho năng suất và sản lượng thấp. Chính vì vậy, việc tưới nước cho rẫy càphê cần thường xuyên.
“Tuy nhiên mới đây, thủy điện Đăk PôNe 2AB tích nước, không xả khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại về kinh tế”, chị Tình nói.
Anh Nguyễn Văn Lành, người dân thị trấn Đăk Rve cho hay, những năm gần đây, giá càphê xuống thấp khiến đời sống người dân Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Nhiều người bán rẻ nương rẫy đi nơi khác sinh sống, số khác thì thế chấp vay ngân hàng. Người nông dân chỉ mong bám trụ lại rẫy càphê với chút lợi nhuận ít ỏi, mưu sinh qua ngày. “Vậy mà sự vận hành phập phù của thủy điện trong việc tích xả nước khiến đời sống người dân càng thêm khốn khổ. Chỉ cần thủy điện tích nước liên tục vài ngày là cây không có nguồn nước tưới, cộng với tình trạng hạn hán khô khốc như thời gian qua, người nông dân chỉ biết than trời”, anh Lành bức xúc nói.
Để tranh thủ nguồn nước, người dân thị trấn Đăk Rve ra giữa dòng sông cạn trơ đáy lắp đặt các máy bơm hút nước tưới. Trớ trêu, con nước lên xuống thất thường trong đêm cũng nhấn chìm tài sản của người dân. Nước sông dâng cao do thủy điện xả nước lúc ban đêm còn đe dọa tính mạng người dân.
Do bức xúc, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV mới đây, người dân yêu cầu xử lý các chủ thủy điện vi phạm, trả lại nguồn nước cho nông nghiệp.
Cần chấn chỉnh các thủy điện vi phạm
Theo ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy (Kon Tum), hiện nay đang là thời điểm mùa khô, nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do không nắm bắt được lịch xả nước vận hành của nhà máy thủy điện nên một số hộ dân chủ động lấy nước đã bị hư hại máy bơm, thậm chí bị nguy hiểm tính mạng khi tham gia sản xuất dọc theo sông, suối.
Để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân, UBND huyện đề nghị các nhà máy thuỷ điện thực hiện việc đảm bảo duy trì dòng chảy môi trường sau đập theo đúng quy định; cung cấp lịch xả nước vận hành phát điện của nhà máy về UBND huyện và UBND các xã, thị trấn vùng hạ du nhà máy để thông báo cho người dân khu vực vùng hạ du biết, chủ động trong quá trình lấy nước sản xuất. Đồng thời, trong quá trình xả nước vận hành nhà máy phải thực hiện theo đúng lịch vận hành, có hiệu lệnh, tín hiệu cảnh báo và cung cấp số điện thoại người vận hành xả nước phát điện.
Chính quyền các xã có trách nhiệm tiếp nhận thông báo lịch xả nước vận hành phát điện của các nhà máy thuỷ điện, thông báo rộng rãi đến người dân và niêm yết công khai tại các thôn, nhà Rông, nhà văn hoá thôn. Đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc giám sát, kiểm tra việc xả nước, vận hành theo đúng lịch.
Kon Rẫy là huyện nhỏ của tỉnh Kon Tum nhưng có đến 7 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, gồm nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, nhà máy thủy điện Đăk Pia, Đăk Blà, nhà máy thủy điện Đăk Grét, nhà máy Đăk PôNe 2, Đắk PôNe 2AB và thủy điện Đăk Ne.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân đã lập đoàn đi kiểm tra thực tế và có báo cáo lên UBND tỉnh. Nguyên nhân gây khô hạn, thiếu nước cho người dân thị trấn Đăk Rve lần này là do thủy điện Đăk PôNe 2AB do Công ty TNHH Gia Nghi làm chủ đầu tư. Thủy điện này có công suất lắp máy 5,1MW với 2 tổ máy, 2 đập và hồ chứa.
Theo thông tin từ nhà máy, do cửa cổng xả cát bị hỏng nên không vận hành được, do đó nước không xả về hạ lưu sau đập, cho nên lưu lượng nước sông Đăk Pông bị thiếu hụt, khô hạn. Chủ đập gia cố nâng chiều cao đập tràn tự do hồ A bằng tấm thép tự chế, chiều cao khoảng 1m, chiều dài theo tuyến đập để tăng dung tích hồ chứa, không đảm bảo an toàn đập và hồ chứa, làm giảm lưu lượng nước về hạ du phía sau đập hồ A.
Ông A Pớt - Phó Bí thư Thường trực tỉnh Kon Tum kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình các thủy điện, đồng thời đề nghị UBND huyện Kon Rẫy sớm làm việc với các chủ thủy điện để có phương án xử lý, đảm bảo sinh kế cho người dân, trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.