Kon Tum phấn đấu thành vùng dược liệu trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mục tiêu này cũng đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra với những bước đi hết sức cụ thể, rõ ràng.
1. Được hấp thu tinh chất, khí trời núi rừng Ngọc Linh quanh năm mát lành, thảm thực vật hoang sơ và dày, nên các loại cây dược liệu của Kon Tum đa dạng về chủng loại và chứa những đặc tính dược liệu cao. Đặc biệt, nơi đây còn có sâm Ngọc Linh, một trong những dược liệu quý, đặc hữu của Việt Nam và được xếp vào hàng “quốc bảo”.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã biết đến, tìm mua. Giá cả cũng tùy loại. Với những loại giá trị dược liệu cao, quý hiếm như sâm Ngọc Linh, giá mỗi kilogam thấp nhất cũng trên cả trăm triệu đồng; những loại dễ phát triển, chu kỳ ngắn có mức giá thấp hơn cũng dao động trong khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi kilogam.
Mùa nào thức nấy, vùng nào loại nấy. Vùng Kon Plông khí hậu mát mẻ, mưa nhiều thích hợp các loại nấm, lá kim cương…; vùng Tu Mơ Rông, Đăk Glei phát triển sâm Ngọc Linh, sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử…; vùng Sa Thầy khí hậu ấm nóng thích hợp phát triển sa nhân tím, ba kích, đinh lăng, nghệ…
 
Đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: N.P
Đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: N.P
Tiềm năng, lợi thế sẵn có, cộng với việc tỉnh triển khai nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật…, diện tích dược liệu, sâm Ngọc Linh tăng dần qua các năm. Bà con còn liên kết thành lập các tổ hợp tác trồng dược liệu, di thực các loại dược liệu quý từ tự nhiên về khoanh vùng trồng để bảo tồn nguồn gen quý hiếm và chủ động khâu chăm sóc, bảo vệ. Con số thống kê: toàn tỉnh phát triển được 907,24 ha sâm Ngọc Linh, 2.113,8 ha các loại dược liệu khác trở nên “biết nói” trong hành trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân để xây dựng Kon Tum thành vùng trọng điểm dược liệu cả nước.
Không chỉ phát triển vùng nguyên liệu, nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến từ dược liệu như: rượu sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, trà sâm dây, mứt sâm dây… bày bán ở các cửa hàng, siêu thị lớn trong tỉnh, trong nước.  Đây là tín hiệu vui, không chỉ giúp nhiều người biết hơn về giá trị sản phẩm dược liệu của Kon Tum mà còn là điều kiện quan trọng để người dân yên tâm mở rộng diện tích, vươn lên thoát nghèo bền vững.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Mục tiêu được xây dựng trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và tầm nhìn cho cả giai đoạn. Theo thống kê, toàn tỉnh có 630 ha vườn sâm Ngọc Linh trồng tập trung với mật độ trung bình khoảng 40.000 cây/ha, khả năng cho 26 triệu hạt giống/năm, ngoài ra còn có một số diện tích sâm Ngọc Linh được người dân trồng chưa thống kê đầy đủ. Cùng với đó, diện tích có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh đã giao, cho thuê khoảng 8.592 ha. Với tỷ lệ nảy mầm 70%, mật độ 15.000 cây/ha trồng rải rác trong diện tích rừng đủ điều kiện phát triển sâm Ngọc Linh, chính là cơ sở thực tiễn để đề ra chỉ tiêu.
Đối với dược liệu khác, các địa phương đã và đang quy hoạch vùng phát triển dược liệu tập trung phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và dược liệu thế mạnh, trong đó trọng điểm là các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Đồng thời, tỉnh đã phê duyệt 21 dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển dược liệu với diện tích hơn 1.000 ha; các huyện, thành phố cũng tiến hành rà soát, đăng ký diện tích phát triển dược liệu khoảng 10.000 ha.
 
Trồng sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Ảnh: N.P
Trồng sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Ảnh: N.P
Trên cơ sở kế hoạch cho cả nhiệm kỳ, năm 2021, chỉ tiêu trồng mới sâm Ngọc Linh đề ra là 500 ha và cây dược liệu khác 2.000 ha. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh trồng mới 959,7ha các loại dược liệu, đạt 48% kế hoạch. Về sâm Ngọc Linh, số cây con đã gieo ươm chuẩn bị cho thời vụ trồng của năm (vào tháng 10,11 hàng năm) là 2,465 triệu cây, tương ứng với 250 ha, dự kiến không đạt kế hoạch.
Đánh giá về  tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI thẳng thắn chỉ rõ: Việc thực hiện các chỉ tiêu về trồng mới rừng, cây ăn quả, cây mắc ca, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác chưa đạt kế hoạch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hiện nay, ngoài một số diện tích có liên kết với các doanh nghiệp thì đầu ra sản phẩm một số loại dược liệu chủ yếu thông qua các tiểu thương nên giá cả chưa ổn định. Sản phẩm chủ yếu bán thô, chưa qua sơ chế nên giá trị chưa cao. Một số loại dược liệu năng suất khá cao, dễ mở rộng diện tích, nhưng khó có thị trường tiêu thụ (đương quy, bo bo…).  Còn các loại cây dược liệu, đặc biệt những loại có giá trị, có thị trường tiêu thụ như sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến… đòi hỏi phải có nguồn vốn vì giá giống khá cao. Người dân ở vùng sâu, vùng xa nếu không được tiếp cận nguồn vốn và các nguồn giống hỗ trợ sẽ khó đầu tư phát triển. Không chỉ vậy, chất lượng nguồn giống cũng là vấn đề đáng bàn, đặc biệt là với sâm Ngọc Linh. tình trạng giống sâm Ngọc Linh được rao bán tràn lan và ngay chính người dân ở những vùng được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh như Tu Mơ Rông, Đăk Glei cũng mua và trồng giống sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc này… Nếu không sớm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác.
Việc thực hiện mục tiêu cho từng năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thắng lợi Chương trình của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI. Để Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia rất cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cùng tháo gỡ những khó khăn, nỗ lực thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu, kế hoạch ngay từ những tháng đầu, năm đầu.           
Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây dược liệu khoảng 10.000 ha, diện tích sâm Ngọc Linh đạt 4.500 ha. Đến năm 2030, tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha; mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Nguyên Phúc (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.