Kon Tum: Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kế thừa thành quả của năm 2020 khi chỉ số cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Kon Tum xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2 tỉnh cùng bằng điểm với Kon Tum nhưng xếp trên Kon Tum). Năm 2021, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một cửa, một cửa liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
 
Hoàn thành tốt các chỉ tiêu cải cách TTHC
Năm 2021, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kon Tum, sự tham gia của các ngành, các cấp, Văn phòng UBND tỉnh (cơ quan đầu mối tham mưu công tác cải cách thủ tục hành chính), đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, nổi bật là thực hiện nghiêm việc công bố, công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành 56 Quyết định công bố danh mục TTHC của các Sở, ban ngành, trong đó bao gồm quyết định chuẩn hóa, quyết định ban hành mới; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.  Đên nay, tổng số TTHC trên địa bàn toàn tỉnh hiện tại có 1.757, số TTHC liên thông có 417 thủ tục hành chính (trong đó 300 thủ tục hành chính liên thông cùng cấp, 117 thủ tục hành chính liên thông giữa các cấp).
Ngoài ra, trong năm 2021, tỉnh Kon Tum đã triển khai tốt thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; nâng cao chỉ số cải cách TTHC. Trong năm 2021, nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số cải cách TTHC, Kon Tum đã đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp nâng cao các Chỉ số và Chỉ số thành phần liên quan đến TTHC....
Có thể khẳng định, trong năm 2021, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nâng cao chỉ số cải cách TTHC, góp phần nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh Kon Tum.

 
Số hóa thủ tục
Thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; từ những nỗ lực trong công tác tham mưu, đôn đốc triển khai thực hiện, đến nay tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh đạt khoảng gần 80% (so với 16,5% năm 2020).
Bên cạnh đó, 612 dịch vụ công được cung cấp, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Kon Tum trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.020 dịch vụ (năm 2020 tỉnh Kon Tum có 388 dịch vụ công tích hợp trên Cổng quốc gia). Đến ngày 31/11, tỉnh Kon Tum đang xếp thứ 7/63 tỉnh thành phố về cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến giữa tháng 11, toàn tỉnh đã tiếp nhận 254.983 hồ sơ thông qua Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh. Kết quả giải quyết TTHC: 245.195 hồ sơ đã giải quyết, 9.788 hồ sơ đang giải quyết. Tỷ lệ, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua Hệ thống thông tin Một cửa điện tử đạt khoảng gần 80%. 
Hiện nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, do đó 100% TTHC có phí, lệ phí đều có thể thực hiện thanh toán trực tuyến theo hình thức sử dụng mã hồ sơ và sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ví điện tử của trung gian thanh toán để nộp phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng đó, từ tháng 7/2021, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai nhằm giảm thời gian đi lại của cá nhân, hộ gia đình làm các thủ tục có liên quan đến nộp thuế về đất đai. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến đã giảm tối thiểu 3 lần đi lại cho cá nhân và hộ gia đình khi làm thủ tục về đất đai.
Có thể khẳng định, trong năm 2021, các cấp, ngành trong tỉnh Kon Tum đã làm tốt việc cải cách TTHC. Qua đó, góp phần nâng cao chỉ số cải cách TTHC, góp phần nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh Kon Tum… Những thành quả trên đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các TTHC, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 
Việc số hóa thủ tục giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Theo Cao Nguyên (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm