Kon Tum: Chủ động ứng phó với động đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận định bước đầu của cơ quan chức năng, động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, thường xảy ra ở nơi nhiều hồ, đập. Khi các nhà máy thủy điện hoạt động làm tăng ứng xuất gây sức ép xuống lòng đất, dẫn tới xảy ra dịch trượt khiến động đất phát sinh. Trong năm 2022 (tính đến ngày 24-8), trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 146 trận động đất. 
Động đất là một dạng thiên tai đặc thù, thường xảy ra rất bất ngờ và vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn động đất thì cách duy nhất để đối phó là phải chủ động và trang bị tốt các kỹ năng ứng phó, từ đó, giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra nhiều động đất, nhất là từ tháng 4 đến 8-2022. Tuy chưa gây thiệt hại, nhưng việc gia tăng về tần suất và cường độ của các trận động đất đe dọa đến sự an toàn của các công trình xây dựng và ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, cuộc sống của người dân. Việc đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó là nhiệm vụ cấp bách để hạn chế những thiệt hại và rủi ro do loại hình thiên tai này gây ra. 
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 4-2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và các vùng lân cận ghi nhận hơn 300 trận động đất. Đáng chú ý, từ ngày 15 đến 28-4-2022 xảy ra liên tiếp 41 trận với cường độ 2,5- 4,5 độ richter; trong đó, ngày 18-4 ghi nhận trận động đất có cường độ 4,5 richter. Từ ngày 23 đến 24-8-2022, tại huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra 12 trận động đất, đặc biệt, chỉ trong ngày 23-8, có tới 11 trận động đất với cường độ từ 2,5-4,7 độ richter, độ sâu tiêu chấn từ 8,1-8,2 km. Trong đó, đáng chú ý là trận động đất với cường độ 4,7 độ richter xảy ra vào khoảng 14 giờ 8 phút, lớn nhất từ trước đến nay đã gây rung chấn mạnh không chỉ tại địa bàn này mà còn lan ra các địa phương khác trong tỉnh; thậm chí người dân cả một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng cũng cảm nhận rõ sự rung lắc, chao đảo.
Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 1h21 ngày 24-8 - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 1h21 ngày 24-8. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Động đất xảy ra liên tục và có chiều hướng tăng dần về tần suất cũng như cường độ. Theo nhận định bước đầu của các cơ quan chuyên môn, động đất ở khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn này. Dự báo, thời gian tới, tại khu vực này các trận động đất sẽ tiếp tục xảy ra và khả năng còn có cường độ lớn hơn.
Mặc dù, các trận động đất chưa đến mức nghiêm trọng và gây ra thiệt hại về người cũng như tài sản, nhưng không thể chủ quan. Việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như các công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện Kon Plông là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 6 công trình thủy điện, trong đó, có 3 công trình thủy điện có hồ chứa lớn là thủy điện Thượng Kon Tum,  thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re. Theo đó, thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW, dung tích hồ chứa 145,52 triệu m3; thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125 MW, dung tích hồ chứa 248,51 triệu m3; thủy điện Đăk Re có công suất 60MW, dung tích hồ chứa là 10,35 triệu m3.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có tổng cộng 125 công trình thủy lợi do tỉnh và địa phương quản lý. Công trình giao thông chủ yếu là đường nông thôn loại B với kết cấu mặt đường là bê tông xi măng. Các công trình công cộng khác như trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học được thiết kế cấp III, cấp VI. Điều đáng nói, khi thiết kế chưa tính đến tác động của động đất đến công trình.
Trước diễn biến khó lường, để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, ngày 23-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 750/CĐ-TTg về việc ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương có liên quan, đặc biệt là huyện Kon Plông tập trung huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường.
Vùng tâm chấn động đất ở xã Đak Tăng. Ảnh Thanh Tuấn
Vùng tâm chấn động đất ở xã Đak Tăng. Ảnh Thanh Tuấn
Gần đây nhất là ngày 25-8-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã ký ban hành Công văn số 2788/UBND-NNTN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Công điện số 750/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra là phải theo dõi, thông tin kịp thời về động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để đảm bảo tính mạng và ổn định tâm lý cho người dân cũng như sự an toàn công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông. Kiểm tra công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, căn cứ tình hình thực tế nghiên cứu giảm tích nước hồ chứa thủy điện theo quy định để an toàn hồ đập...
Trong kế hoạch phòng-chống, ứng phó với thiên tai năm 2022, huyện Kon Plông đã bổ sung phương án ứng phó với động đất và các cấp độ rủi ro do thiên tai gây ra. Thời gian qua, chính quyền và các đoàn thể ở huyện Kon Plông tăng cường bám địa bàn để tuyên truyền, vận động, giải thích, phát sổ tay, hướng dẫn kỹ năng và các biện pháp tự ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” cho người dân. Địa phương này cũng đã lên phương án sơ tán dân khi có động đất; dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế đảm bảo cho công tác ứng cứu.
Tuy nhiên, trong khi các cấp, các ngành đang rốt ráo vào cuộc bàn giải pháp ứng phó với động đất thì trên thực tế, một số người dân chưa thực sự quan tâm, thậm chí tỏ ra lơ là trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng tự ứng phó, nhất là sau một thời gian đã có phần quen với hiện tượng này và thấy động đất chưa ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là điều đáng lo ngại vì nếu như động đất xảy ra với cường độ lớn hơn thì người dân sẽ lúng túng và gây ra nhiều thiệt hại.
L.H (theo Báo Kon Tum, Vn Express)
Kon Tum: Chủ động ứng phó với động đất ảnh 3
 

Có thể bạn quan tâm