Kon Tum chủ động triển khai chương trình năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 2 và 6. Ngay thời điểm nghỉ hè, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, sách giáo khoa và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm bảo đảm tốt việc dạy và học.

Các cô giáo Trường Tiểu học Phan Đình Phùng tham gia tập huấn trực tuyến Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các cô giáo Trường Tiểu học Phan Đình Phùng tham gia tập huấn trực tuyến Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chuẩn bị cho năm học 2021-2022 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng Giáo dục vào Đào tạo thành phố Kon Tum triển khai sớm việc thành lập hội đồng chọn sách tại các cơ sở giáo dục. Khối lượng đầu sách năm học này được chọn phong phú và rộng hơn nhiều năm trước như: cấp Tiểu học năm trước chỉ có 1 bộ sách duy nhất là Kết nối tri thức và cuộc sống thì năm nay có nhiều trường trên địa bàn chọn bộ sách Cánh Diều; đối với cấp Trung học cơ sở, lớp 6 cũng có 2 bộ sách là: Cánh Diều và Kết nối tri thức và cuộc sống.
Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum Phạm Văn Phụ cho biết: Qua 1 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum đã tổ chức tổng kết, đánh giá những ưu, khuyết điểm để năm học 2021-2022 chọn lại 2 bộ sách trên, phù hợp với 2 loại hình: bộ Cánh diều phù hợp với địa phương ít thuận lợi, còn bộ Kết nối tri thức và cuộc sống phù hợp với nội thành. Khi lựa chọn, toàn bộ hội đồng chọn sách đánh giá được sự ưu việt của các đầu sách, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của trường mình.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có 24 trường tiểu học chọn sách Kết nối tri thức và cuộc sống, 10 trường chọn bộ Cánh diều. Trong quá trình tổ chức triển khai, các trường năm ngoái sử dụng bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cho lớp 1 thì vẫn tiếp tục sử dụng bộ sách trên cho khối lớp 1 nhằm bảo đảm tính kết nối, kế thừa.
Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum có 895 học sinh, trong đó 32 em là người dân tộc thiểu số. Năm học 2021-2022, trường có 189 học sinh lớp 2 và dự kiến có 4 lớp 1 với khoảng 140 học sinh. Năm ngoái, nhà trường lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống cho các em lớp 1 nhưng năm nay lên lớp 2 nhà trường chọn bộ Cánh diều cho các em. Lớp 1 năm nay vẫn học sách Kết nối tri thức và cuộc sống.
Cô Võ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng cho biết: Về chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cơ bản phù hợp với học sinh. Qua 1 năm sử dụng bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống cho học sinh lớp 1,  năm nay trường chọn bộ Cánh diều cho các em lên lớp 2, vì bộ Cánh diều có những bài học cũng như khung chương trình phù hợp với đặc thù học sinh ở đây, các em dễ tiếp cận và lĩnh hội kiến thức. Hình ảnh, kiến thức của bộ Cánh diều gần gũi, hướng đến mục đích nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn bộ giáo viên của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng được tiếp cận phương pháp dạy mới bằng hình thức online từ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Những năm trước thì chỉ 1 số ít hoặc cán bộ cốt cán được tập huấn từ Bộ, sau đó về tập huấn lại cho các giáo viên khác. Năm nay, toàn bộ giáo viên của trường được tiếp cận và được giải đáp các thắc mắc trực tiếp, rất thuận lợi và hiệu quả.
Cô Trần Thị Nga, Tổ trưởng khối 2 Trường Tiểu học Phan Đình Phùng nhận xét: Bộ sách Cánh diều kênh hình, kênh chữ rõ ràng, các chủ đề, chủ điểm phù hợp với học sinh lớp 2. Lượng nội dung trong các tiết học hợp lý, không quá nặng. Nội dung thiết kế mở, giáo viên có quyền điều chỉnh ngữ liệu để dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Ngay sau khi tập huấn xong, trường đã tổ chức cho giáo viên xây dựng kế hoạch dạy các môn học phù hợp với đối tượng của trường.
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 6 nên thầy, cô Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc đã sớm có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để áp dụng nhuần nhuyễn, hoàn thành tốt mục tiêu chương trình. Trường hiện có 63 giáo viên, trong đó có 17 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 26 giáo viên giỏi cấp thành phố. Giáo viên trình độ đại học đạt 60/63, chiếm tỷ lệ 95,2%.
Trường có 19 phòng học được trang bị 24 bộ bàn ghế, điện thắp sáng, ti vi, máy chiếu, quạt điện; 2 phòng học bộ môn dành cho môn Vật lý và Hóa - Sinh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để tiến hành chọn sách giáo khoa lớp 6, trường tổ chức họp lấy ý kiến từng giáo viên, bỏ phiếu lựa chọn sách, sau đó thành lập Hội đồng gồm: Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, đại diện hội phụ huynh nhà trường tiến hành nghiên cứu 3 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, Hội đồng trường thống nhất lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 6 là bộ sách Cánh diều.
Cô Ninh Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc cho biết: Lợi thế của bộ sách Cánh diều phát huy và kế thừa từ bộ sách cũ về mặt tư liệu, những ngữ liệu rất gần gũi với giáo viên trong quá trình thực hiện. Cách trình bày và hệ thống của bộ sách rất khoa học, rõ ràng và phát huy được tính tích cực của học sinh, hướng giáo viên và học sinh dễ tiếp cận nội dung bài học. Bộ sách phân ra các dạng bài rất cụ thể so với các bộ sách khác. Kênh hình, kênh chữ, phần biên tập trong bộ sách cụ thể, rõ ràng, rành mạch…
Để bảo đảm tất cả học sinh đều có đủ sách khi vào năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tiến hành tuyên truyền, vận động xã hội hóa. Các trường tuyên truyền cho phụ huynh tự mua, trong trường hợp không thể mua được thì phải sử dụng xã hội hóa. Vận động các trường nhường sách dôi dư cho nhau, tận dụng lại sách cũ cho năm học mới. Tổ chức tuyên dương, khích lệ đối với các trường, các thầy, cô giáo làm tốt công tác xã hội hóa sách giáo khoa. Đến nay, toàn bộ học sinh dân tộc thiểu số và hộ nghèo trên địa bàn đã có sách cho năm học mới.
Với sự chủ động chuẩn bị kỹ các khâu từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục thành phố Kon Tum và các em học sinh đã sẵn sàng chờ đón ngày khai giảng năm học mới 2021-2022.
Bài và ảnh: PHÚC THẮNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.