Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đang dần khẳng định vị trí trong hệ sinh thái khởi nghiệp chung của tỉnh Gia Lai. Điều đó cho thấy tài nguyên tại chỗ đang dần được khai mở bởi những người trẻ có tri thức và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chúc mừng chị H'Uyên Niê xuất sắc với dự án khởi nghiệp từ du lịch cộng đồng (ảnh nhân vật cung cấp).

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chúc mừng chị H'Uyên Niê xuất sắc với dự án khởi nghiệp từ du lịch cộng đồng (ảnh nhân vật cung cấp).

Tài nguyên bản địa là tài nguyên vốn có tại chỗ, có nguồn gốc địa phương. Hiểu theo nghĩa này, các dự án khởi nghiệp đạt giải trong thời gian vừa qua đều dựa trên vốn sẵn có của vùng đất. Một trong những niềm tự hào của hệ sinh thái khởi nghiệp bản địa đó là Gia Lai có dự án đạt giải nhất cấp vùng miền Trung cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức. Đó là Dự án “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” của chị H'Uyên Niê (làng Ia Lốk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh). Ngoài ra, Dự án “Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu sạch và sản xuất các sản phẩm trà thảo dược hòa tan tại cao nguyên Kon Hà Nừng-Kbang” của kỹ sư Nguyễn Thị Thu Trang (Công ty TNHH Dược thảo Lila, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng đạt giải khuyến khích.

Cả 2 dự án khởi nghiệp này đều khai thác tài nguyên tại chỗ của 2 ngành kinh tế trọng tâm là du lịch và dược liệu. Dự án của chị H'Uyên Niê lấy ý tưởng dựa vào tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho người dân nông thôn và thúc đẩy bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Còn dự án của chị Nguyễn Thị Thu Trang hướng đến khai thác và bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên dược liệu quý giá. Theo thống kê, Gia Lai có khoảng 573 loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị, có tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm chủ lực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Dự án của nữ kỹ sư Nguyễn Thị Thu Trang đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị bền vững cho người dân các làng vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng.

Tại một diễn đàn khác, 2 dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa của Gia Lai cũng xuất sắc lọt vào vòng bán kết cấp vùng miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9-2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức. Trong đó, Dự án “Rượu cần Đak Giang-Đặc sản văn hóa của người Bahnar” của nhóm chị Đinh Thị Đách (xã Đông, huyện Kbang) được trao chứng nhận giải thưởng lâm sản ngoài gỗ (NTFP). Còn dự án “Phát triển kinh tế người Bahnar dựa trên nguyên liệu mây tre bản địa” của nhóm Bahnar-Xanh do anh Đỗ Mạnh Cương (xã Ayun, huyện Mang Yang làm trưởng nhóm) tuy dừng lại tại vòng bán kết khu vực nhưng ý tưởng và sản phẩm độc đáo này được Ban tổ chức chọn là một trong những dự án tiềm năng để giới thiệu trong chiến lược truyền thông.

Anh Đỗ Mạnh Cương cho biết: “Mặc dù không đạt kết quả cao nhưng đây là cơ hội để những người Bahnar sống ở làng có thể nhìn rộng ra bức tranh của hệ sinh thái này, từ đó giúp họ mạnh dạn, tự tin khai thác giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để khởi nghiệp. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công nếu được quan tâm đầu tư, khích lệ kịp thời”.

Các sản phẩm từ mây tre bản địa của nhóm Bahnar-Xanh được giới thiệu tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9-2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Các sản phẩm từ mây tre bản địa của nhóm Bahnar-Xanh được giới thiệu tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9-2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Hội LHPN huyện Chư Păh vừa khen thưởng đột xuất chị H'Uyên Niê vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023. Theo bà Nguyễn Thị Bảy-Chủ tịch Hội LHPN huyện, với tinh thần khát khao khởi nghiệp, thành công của chị H'Uyên Niê đã tiếp thêm động lực để thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa trong hội viên phụ nữ.

Các dự án trên minh chứng cho kết quả quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Gia Lai. Trong hệ sinh thái đó, khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa dần khẳng định vị trí. Theo chị Đinh Thị Đách, hoạt động khởi nghiệp đã tạo sức sống mới cho các sản phẩm địa phương như rượu cần Đak Giang. Trước đây, phụ nữ Bahnar chỉ xem rượu cần như một sản phẩm văn hóa chứ không phải sản phẩm hàng hóa. Còn bây giờ, tư duy đã hoàn toàn thay đổi, nhiều chị em muốn xin vào nhóm khởi nghiệp để liên kết phát triển thương hiệu rượu cần truyền thống. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của hoạt động khởi nghiệp. Sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương có ý nghĩa tạo thêm sự tự tin cho các chủ thể khởi nghiệp. Sản phẩm khởi nghiệp của chị được UBND xã Đông tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá tại hội chợ nông sản, thực phẩm trong khuôn khổ Ngày hội du lịch huyện Kbang tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, chị còn được tập huấn về khởi nghiệp, cách tạo mã QR cho sản phẩm, cách giới thiệu, bán hàng trên không gian mạng…

“Ngoài rượu cần Đak Giang đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, nhóm khởi nghiệp của tôi đang phát triển thêm các sản phẩm bản địa như mật ong rừng, mật ong ruồi, chè dây rừng. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ tập huấn kiến thức, kỹ năng bán hàng trên môi trường thương mại điện tử. Như thế, sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa mới có cơ hội vươn xa”-chị Đách cho hay.

Hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ Gia Lai đã và đang thu hút sự quan tâm của không chỉ riêng chị em bởi những thành công đáng khích lệ. Cuối tháng 9, Hội LHPN tỉnh tiếp tục mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho những hội viên phụ nữ có ý tưởng/mô hình khởi nghiệp. Chủ trương, chính sách của tỉnh về khởi nghiệp được các cấp Hội tích cực triển khai nhằm tiếp thêm động lực, kiến thức để chị em mạnh dạn, tự tin chọn lựa mô hình phù hợp để khởi nghiệp thành công.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.