Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Giới trẻ còn thờ ơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn có vai trò rất quan trọng, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số. Tại Gia Lai, công tác tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được chú trọng triển khai nhưng trên thực tế nhiều người vẫn chưa mặn mà với vấn đề này.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các bạn trẻ có kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống gia đình. Ngoài ra, qua khám sức khỏe còn giúp phòng tránh bệnh tật; phát hiện sớm các bệnh để chữa trị kịp thời, giúp tránh những bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai. Hiện việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 2 xã, thị trấn ở mỗi đơn vị cấp huyện; riêng TP. Pleiku triển khai tại 5 xã, phường. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 1.000 người khám sức khỏe tiền hôn nhân, kinh phí do Nhà nước chi trả (riêng từ năm 2019, chỉ chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo). Mặc dù vậy, nhiều người “trong cuộc” vẫn chưa mặn mà với vấn đề này, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Rơ Châm Bli (SN 1997, làng Bloi, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cho biết: “Tôi kết hôn 2 năm rồi. Trước khi kết hôn, cả 2 vợ chồng đều không đi khám sức khỏe”. Tương tự, anh Siu Gach (SN 2001, làng Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Tôi lập gia đình gần 2 năm, không khám sức khỏe trước khi kết hôn vì không biết và cũng không quan tâm lắm”.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Chư Pah không tiếp nhận trường hợp nào đến khám sức khỏe tiền hôn nhân tự nguyện. Ông Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Dù được miễn phí tiền khám, xét nghiệm nhưng người dân vẫn chưa chủ động đến khám do nhận thức về vấn đề này còn thấp, chưa thấy sự cần thiết và quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. “Trong năm 2020, chúng tôi được giao khám miễn phí 40 chỉ tiêu và đã phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đến thăm khám”-ông Trà cho biết thêm.
Cán bộ chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku) phát tờ rơi tuyên truyền việc khám sức khỏe tiền hôn nhân đến người dân. Ảnh: N.N
Cán bộ chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku) phát tờ rơi tuyên truyền việc khám sức khỏe tiền hôn nhân đến người dân. Ảnh: N.N
Chư Á là một trong 5 xã tại TP. Pleiku triển khai mô hình này nhiều năm qua. Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng-Trạm Trưởng Trạm Y tế xã-cho hay: Hàng năm, xã được giao 20 chỉ tiêu khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đối tượng được khám miễn phí là hộ nghèo và cận nghèo. Trạm phối hợp với Đoàn xã chọn lọc đối tượng và tổ chức khám tại trạm y tế. Tuy nhiên, ngoài 20 chỉ tiêu được giao thì không có thêm trường hợp nào đến khám tự nguyện. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng thực tế nhiều người vẫn còn thờ ơ”-bác sĩ Trọng nói.
Là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á), chị H’Hanh thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân đến người dân, đặc biệt là các đối tượng đang trong độ tuổi kết hôn. Chị H’Hanh cho hay: “Một số người thấy được lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng nhiều người chưa chú ý lắm. Nếu khám miễn phí thì họ tham gia, còn phải trả phí thì hầu như không ai đi khám cả”. 
Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-nhấn mạnh: Các bạn trẻ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn từ 3 đến 6 tháng. Đó là thời gian trung bình để có thể điều trị nếu phát hiện bệnh (trừ một số bệnh không thể hoặc phải điều trị suốt đời). Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong các hình thức sàng lọc trước sinh để nâng cao chất lượng dân số. Ngoài các bệnh di truyền nghiêm trọng như Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ còn có thể phát hiện những bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, lao, lậu, giang mai, phong và các bệnh lây khác có ảnh hưởng đến hôn nhân và sinh sản… để tư vấn cho các cặp nam nữ trước khi kết hôn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, thời gian đến, Chi cục sẽ phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vấn đề này. “Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh nhiệm vụ của ngành chức năng, ngành Tư pháp cần sớm quy định nam nữ khi đến đăng ký kết hôn phải cung cấp giấy chứng nhận khám sức khỏe tiền hôn nhân. Làm được như vậy thì sẽ đảm bảo mục tiêu 100% các cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân, góp phần nâng cao chất lượng dân số”-ông Lân nêu ý kiến.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.