Kết hợp giữa văn hóa và tự nhiên để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân chuyến tập huấn tại Đà Nẵng do Tổng cục Du lịch tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là dự án EU), chúng tôi có dịp gặp gỡ và nghe ông Florian Sengstschmid-chuyên gia cao cấp về Marketing điểm đến du lịch giới thiệu các nguyên lý cơ bản của chiến lược Marketing Việt Nam tới năm 2020.  Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia xoay quanh vấn đề điểm đến du lịch Gia Lai cùng với cơ hội và thách thức của nó.
 

 

-P.V: Theo ông, ngành du lịch của vùng Tây Nguyên hiện nay đang ở giai đoạn nào?

Ông Florian Sengstschmid: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Tây Nguyên là vùng sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, cũng giống các vùng cao nguyên của thế giới các bạn giàu có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa các dân tộc bản địa. Tôi cho rằng các bạn mới chỉ đang ở giai đoạn “hình thành” và “khám phá” theo vòng đời của một điểm đến du lịch và một điểm đến du lịch phải đối diện với rất nhiều thách thức khác nhau.

Để có những hình ảnh tích cực, các bạn cần quan tâm tới việc tạo dựng, quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh quốc gia, vùng ra nước ngoài trong một nỗ lực định vị điểm đến. Hình ảnh đó phải độc đáo so với nước khác, vùng khác. Khai thác được triệt để ưu thế và lợi thế của đất nước mình.

-P.V: Vậy theo ông, Gia Lai nên tập trung khai thác điểm đến du lịch như thế nào để phát triển hiệu quả lâu dài?

Ông Florian Sengstschmid: Tôi sẽ chia sẻ xu hướng phát triển du lịch khá rõ rệt tại các nước trên thế giới, các nước phát triển mà từ đó địa phương có thể áp dụng. Đó là sự kết hợp giữa tài nguyên văn hóa và tự nhiên, đó là sự kết hợp khôn ngoan để phát triển du lịch ở nơi có tiềm năng như nơi bạn đang sống.

Trước hết nói về văn hóa, đó là điểm hấp dẫn về tri thức bản địa, truyền thống bản địa, cách sống của cư dân, hình thức biểu diễn của những loại hình nghệ thuật dân gian, tài nguyên văn hóa phi vật thể và vật thể... các bạn giàu có tài nguyên văn hóa và hãy khai thác chúng để phát triển du lịch. 2 khía cạnh hay diễn ra trong quá trình phát triển du lịch, đó là sự lôi cuốn bởi sự đa dạng về dân tộc và tri thức của dân tộc bản địa, truyền thống của các dân tộc khác nhau tại địa phương, sự đa dạng này tạo ra điểm thu hút mà khách du lịch có thể trải nghiệm.

Tài nguyên văn hóa của người dân tộc thiểu số được phát triển theo hình thức làm cho khách chủ động tham gia vào các hoạt động văn hóa. Điều này rất thú vị và sẽ truyền được nhiều cảm hứng cho khách nhất và dĩ nhiên người làm du lịch phải nghĩ ra cách nhắc nhở họ luôn nhớ về điểm đến du lịch này, giới thiệu nó đến nhiều người. Có một vấn đề nữa rất quan trọng, đó là sự nối kết, hợp tác với các điểm đến du lịch bên cạnh địa phương bạn và nối kết với các trung tâm du lịch phát triển trong nước, các nước trong khu vực... Làm một cách tập trung và sáng tạo, du lịch của tỉnh bạn sẽ tỏa sáng.

-P.V: Vậy theo ông thách thức của điểm đến du lịch Gia Lai hiện nay là gì ạ?

Ông Florian Sengstschmid: Đó là chất lượng. Việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Gia Lai vẫn chủ yếu dựa vào các giá trị văn hóa, các yếu tố truyền thống. Các bạn phải làm thế nào để cho khách du lịch yên tâm và tha thiết chọn Gia Lai làm hành trình du lịch của họ.

Tập trung phát triển sản phẩm để có những chất lượng sản phẩm cao đem lại những trải nghiệm độc đáo... Có được điều đó đòi hỏi sự trao đổi, kết hợp của nhiều bên liên quan đến lĩnh vực này, phải thiết lập được mạng lưới quan hệ tốt giữa các công ty lữ hành, các nhà quản lý và cộng đồng dân cư địa phương.

-P.V: Cảm ơn ông!

Hoàng Thanh Hương (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.