Hội nhập ATIGA, làm sao để không bất công với mía đường Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành mía đường Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập ATIGA từ ngày 1/1/2020 theo lộ trình của Chính phủ nếu việc hội nhập đảm bảo công bằng với các nước trong khu vực như: Indonesia, Philippines, Thái Lan...
Thông tin trên không phải lần đầu tiên chúng ta nhắc đến, thực tế nó là chủ trương nhất quán của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cũng như tất cả các doanh nghiệp thành viên.
Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hội nhập, một vấn đề khiến tất cả các doanh nghiệp thuộc VSSA vô cùng băn khoăn, lo lắng đó chính là việc chúng ta chấp nhận hội nhập một cách “hồn nhiên”, không có các chính sách tương đồng các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Philippines, Indonesia...  Điều đó cũng có nghĩa ngành đường Việt Nam sẽ chịu thua thiệt so với các nước. Hàng triệu nông dân và doanh nghiệp sẽ lãnh hậu quả.
Thực tế cho thấy, các nước sản xuất mía đường thuộc khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines  luôn “rêu rao” đã thực thi ATIGA. Tuy nhiên, các nước này thường xuyên tạo “rào cản” khiến đường nhập khẩu không thể cạnh tranh với đường trong nước. Đây có thể coi là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngành hàng trong nước.
 
Các nước như Thái Lan, Philippines và Indonesia cho phép tự do nhập khẩu đường nhưng hạn chế khả năng phân phối.
Các nước ASEAN hội nhập ATIGA thế nào?
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đã chỉ rõ đặc điểm của ngành mía đường thế giới là: “hầu như hơn 120 Quốc gia tham gia sản xuất chế biến đường thì đều bảo hộ, quản lý chặt thị trường nội địa, chính phủ quản lý điều tiết cung cầu, hạn chế hoặc không tham gia các hiệp định thương mại tự do mở cửa ngành đường”.
Trong đó, do một số biện pháp bảo vệ và can thiệp bất hợp lý của các Chính phủ, thị trường đường được đánh giá bị biến dạng (distorted) bậc nhất trong các thị trường trao đổi hàng hóa.
Theo tính toán của VSSA, giá đường trên thị trường quốc tế hiện nay là đường phá giá (dumping sugar) xuất phát từ các biện pháp trợ giá và gian lận thương mại.  
Các nước như Thái Lan, Philippines và Indonesia cho phép tự do nhập khẩu đường nhưng hạn chế khả năng phân phối.
Điển hình với các quốc gia sản xuất mía đường như Thái Lan, Philippines và Indonesia, dù luôn tuyên bố đã thực thi đầy đủ ATIGA từ năm 2010 và 2015 nhưng cái cách hội nhập của họ chỉ là mang tính “tương đối” với nhiều “kỹ xảo” nhằm bảo trợ đường trong nước. 
Cụ thể, Chính phủ các nước này vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, thậm chí bán phá giá để xuất khẩu. Bên cạnh đó, sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật phi thuế quan để tiếp tục bảo hộ và bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa không để hàng nhập khẩu được tự do thâm nhập, phân phối, sản xuất và buôn bán tự do. 
Thái Lan, Indonesia, Philippines đều “trên danh nghĩa” đã thực thi dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, nhưng họ lại dựng lên hàng loạt những hàng rào kỹ thuật thông qua các quy định, các giấy phép, các loại phí,… để đảm bảo rằng đường nhập khẩu từ ASEAN được tự do thông quan “trên danh nghĩa” nhưng “không được tự do” thâm nhập vào các kênh phân phối, tiêu thụ, buôn bán và sử dụng tại thị trường nội địa.
Tuy các biện pháp kỹ thuật, thủ thuật và các quy định khác nhau nhưng nhìn chung Thái Lan, Indonesia và Philippines đều có chung một tiêu chí là “khoá đầu ra” của đường nhập khẩu, không cho phép đường giá rẻ từ thị trường quốc tế ảnh hưởng đến sản xuất mía đường trong nước. 
Cụ thể, trên danh nghĩa, bất kỳ các nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều được tự do nhập khẩu đường vào các quốc gia trên. Tuy nhiên, đường nhập khẩu sẽ không được bán vào thị trường nội địa mà phải nằm chờ cấp phép tại “kho dự trữ”. 
Thực tế, Indonesia và Philippines dù đã mở cửa thị trường nhưng chỉ cho nhập đường ngoại tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước, điều tiết thời gian và quản lý khối lượng đường nhập khẩu chi tiết và cụ thể theo từng giai đoạn và thời gian mùa vụ nhằm đảm bảo ưu tiên tiêu thụ đường nội địa trước nhằm đảm bảo sinh kế, đời sống cho nông dân và lao động trồng mía cũng như mang lại hiệu quả của các doanh nghiệp.
Theo thông tin của Tổ chức Mía Đường thế giới (ISO) cho thấy, giá mía của Indonesia, Philippine không hề thay đổi sau thời điểm hội nhập, nhờ đó đời sống của nông dân trồng mía được bảo đảm.
Các nước làm được, tại sao Việt Nam lại không?
Kinh nghiệm hội nhập ATIGA của các nước trong khu vực rõ ràng có sự tính toán cẩn trọng, trong đó việc sử dụng các hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan để vừa không vi phạm cam kết, vừa bảo vệ được ngành hàng trong nước là điều các quốc gia đã triển khai.
Thực tế, mới đây, phát biểu trên truyền thông Việt Nam mới đây, đại diện các nước Indonesia, Philipines cũng đều đã công khai các biện pháp mà nước họ sử dụng để bảo vệ ngành đường nội địa. Tất nhiên đó là những biện pháp phù hợp với quy định quốc tế.
 
Chưa hội nhập ATIGA, ngành mía đường Việt Nam đã lao đao vì đường lậu Thái Lan tràn ngập thị trường (Ảnh minh họa)
Các nước làm được, tại sao Việt Nam lại không? thThwuj tế, trong bối cảnh mà hàng triệu nông dân trồng mía Việt Nam đang khắc khoải kêu cứu, nhiều doanh nghiệp mía đường đứng trước nguy cơ phá sản vì sự cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là vì đường lậu tràn vào Việt Nam không thể kiểm soát... thì trước ngưỡng cửa hội nhập ATIGA, Chính phủ rất cần có những giải pháp căn cơ hơn, trong đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm hội nhập các nước để đảm bảo công bằng cho ngành đường Việt Nam là điều cần được tính đến.
Dựa trên khảo sát kinh nghiệm về chính sách, quản lý, giảm sát việc sản xuất, phân phối và xuất khẩu mía đường của một số nước ASEAN có sản xuất đường mía gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia, VSSA khuyến nghị một số biện pháp cơ bản mà nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines và Thái Lan đang áp dụng trong ngành mía đường.
Trước hết, cần thiết lập Ủy ban Giám sát mía đường độc lập có sự tham gia của bộ hữu quan trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, các viện nghiên cứu và hiệp hội có chức năng đưa ra các khuyến nghị chính sách, giám sát cung cầu mía đường, lượng đường nhập khẩu cần thiết, giá mua bán trong nước và giá thành thế giới với mục đích chính là bảo đảm lợi ích cân đối giữa người trồng mía, DN và người tiêu dùng. Ủy ban hàng năm tính toán và khuyến cáo giá mua mía nông dân đủ giá thành cộng thêm tối thiểu 10% nhưng không cao hơn giá mua mía nông dân trong khu vực.
VSSA cũng cho rằng, cần đàm phán với khối ASEAN để đưa sản phẩm đường vào nhóm hàng “đặc biệt nhạy cảm” của biểu thuế để được áp dụng điều khoản số 24 của Hiệp định ATIGA về đối xử đặc biệt đối với mặt hàng nhạy cảm.
Cùng với đó là áp dụng các biện pháp hành chính liên quan đến thương quyền phân phối đường trong nước mà Indonesia và Philippines đều đang áp dụng. Cụ thể là đường nhập khẩu được tự do nhập theo các FTA, nhưng phải đưa vào kho ngoại quan hoặc kho dự trữ đã đăng ký và chỉ được đưa ra tiêu thụ khi đường trong nước thiếu hụt. Bên cạnh đó, đường nhập khẩu chỉ đưa ra tiêu thụ khi vụ ép mía đã kết thúc tối thiểu 2 tháng nhằm bảo đảm tất cả đường sản xuất từ mía trong nước đã tiêu thụ hết.
VSSA khuyến nghị đưa nhập khẩu đường vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện và chỉ dành cho các nhà máy đường, với điều kiện phải đảm bảo giá mua mía cho nông dân. Số lượng đường nhập khẩu của mỗi nhà máy tương ứng với số lượng mía mua của nông dân. Biện pháp khác là thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện đồng phát để hỗ trợ người trồng và DN chế biến mía.
VSSA cho rằng việc áp dụng các biện pháp này là hoàn toàn khả thi, phù hợp với quy định của WTO, ATIGA và đặc biệt là hoàn toàn tương đồng với các quy định và thông lệ mà các nước đang sản xuất mía đường của ASEAN đã và đang áp dụng từ nhiều năm.
Thanh Phong (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm