(GLO)- Những ngày này, trên các công trình điện gió, nhà thầu đang khẩn trương thi công để đưa nhà máy vào vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021.
Chạy đua với thời gian
Đã hơn 11 giờ trưa nhưng trên công trình Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông), hàng chục kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài với các phần việc lắp đặt thiết bị. Dẫn chúng tôi đến các chân trụ turbine gió, ông Hồ Quý Tri Thức-Phó Giám đốc Công ty cổ phần điện gió Ia Bang-cho biết: “Nhà máy điện gió Ia Bang 1 được khởi công từ tháng 1-2021 có công suất 50 MW gồm 12 trụ turbine gió (4,2 MW/trụ) với tổng mức đầu tư hơn 1.953 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện 5,66 km mặt đường giao thông; đổ bê tông 12/12 móng trụ; xây dựng trạm biến áp 110 kV, đường dây đấu nối 22 kV; đường dây cáp ngầm 22 kV kết nối turbine, hoàn thành xây dựng nhà quản lý vận hành… Cùng với đó, việc vận chuyển và lắp đặt thiết bị được thực hiện đúng tiến độ”.
Lắp đặt cánh quạt tại trụ turbine gió. Ảnh: Vũ Thảo |
“Thời điểm này, đơn vị đang huy động tối đa nguồn nhân lực để thi công đảm bảo về đích đúng thời gian. Do lắp đặt thiết bị phải theo mùa gió nên phải làm cả ngày lẫn đêm để đảm bảo kịp tiến độ, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 15-10 tới đây. Khi nhà máy hòa lưới sẽ đóng góp cho hệ thống điện quốc gia hơn 141,5 triệu kWh/năm, đồng thời giúp giảm lượng phát thải lên đến 120 ngàn tấn CO₂/năm”-ông Thức cho hay.
Tại huyện Đak Đoa, 2 dự án nhà máy điện gió đang được tốc lực thi công trên địa bàn 4 xã: Trang, Glar, Ia Pết, A Dơk. Trong đó, Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 thuộc Công ty cổ phần phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một có công suất thiết kế 99 MW với 22 trụ turbine gió (4,5 MW/trụ); tổng vốn đầu tư 3.695 tỷ đồng; sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính gần 275 triệu kWh. Trong khi đó, Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 thuộc Công ty cổ phần phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai có quy mô công suất thiết kế 99 MW với với 22 trụ turbine gió (4,5 MW/trụ); tổng vốn đầu tư 3.636 tỷ đồng; sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính hơn 253 triệu kWh. Về quy mô đấu nối, Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 có 1 trạm biến áp 500 kV công suất 900 MVA; 19,3 km đường dây 220 kV, 1 trạm biến áp 220 kV công suất 125 MVA. Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 có trạm biến áp 220 kV có công suất 125 MVA.
Ông Nguyễn Anh Khoa-Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần phong điện Ia Pết-Đak Đoa Số Một và Số Hai-cho biết: “Về các hạng mục hạ tầng đường giao thông nội bộ, cáp ngầm, móng trụ, khu quản lý vận hành đã được xây dựng gần hoàn thành và đang triển khai lắp đặt thiết bị. Cụ thể: Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 đã lắp đặt được 13/22 trụ turbine gió; Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 đã lắp đặt được 1/22 trụ turbine gió. Đường dây đấu nối dự kiến đóng điện về trạm vào ngày 5-9, đây là cột mốc rất quan trọng. Đối với nhà máy 1 dự kiến sẽ có 16 trụ hòa lưới vào ngày 10-9; 6 trụ còn lại hòa lưới vào ngày 15-10. Nhà máy 2 dự kiến sẽ có 9 trụ hòa lưới vào ngày 30-9; 6 trụ hòa lưới vào ngày 20-10; 7 trụ hòa lưới vào ngày 25-10”.
Sớm hòa lưới điện quốc gia
Theo ông Nguyễn Anh Khoa-Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần phong điện Ia Pết-Đak Đoa Số Một và Số Hai, tiến độ của 2 dự án điện gió phụ thuộc toàn bộ vào việc nhập khẩu và vận chuyển turbine gió. Các turbine gió được vận chuyển theo 2 tuyến là từ Cảng Quy Nhơn và Cảng Ba Son. Việc vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển qua các tỉnh, rồi công tác phối hợp để đưa tới công trình mất nhiều thời gian vì phải xử lý nâng đường dây điện, gia cố một số tuyến giao thông… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các kỹ sư ở ngoài tỉnh khi lên làm việc phải mất thời gian cách ly theo quy định; các chuyên gia nước ngoài không xin được visa nên phải làm việc online… Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Tuy nhiên, 2 nhà máy sẽ phấn đấu về đích trước ngày 31-10 năm nay. “Hiện 2 nhà máy đang chạy đua tiến độ với mục tiêu sớm đưa dòng điện gió hòa vào lưới điện quốc gia. Do đó, có lúc trên công trường huy động đến 600 công nhân, kỹ sư làm việc cả ngày và đêm”-ông Khoa nói.
Trạm biến áp 220kV tại Dự án điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Vũ Thảo |
Toàn tỉnh có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương và đang triển khai đầu tư với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 43.197,63 tỷ đồng; 89 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất 11.559,2 MW; 9 dự án điện gió được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất dự kiến 1.221,4 MW. Trong năm 2021, 16 dự án với công suất 1.192,4 MW sẽ đưa vào vận hành thương mại. |
Ông Tưởng Thế Quang-Trợ lý Giám đốc Dự án thuộc Công ty liên danh tổng thầu EPC Powerchina Viet Nam và Powerchina Huadong-cho biết: Tổng dự án nhận thầu của đơn vị là 31 trụ turbine gió. Hiện tại, nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực để Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 hoàn thành trước. Dự kiến khoảng giữa tháng 10 sẽ hoàn thành 31 trụ turbine gió này. Hiện đơn vị cũng đã vận hành thử nghiệm 4 trụ xem có truyền tín hiệu về trạm không. “Với khối lượng công việc cực lớn nên chúng tôi huy động 3 xe cẩu 800 tấn, 3 cẩu 120 tấn. Nếu điều kiện gió thuận lợi thì có thể 2 ngày lắp được 1 trụ. Việc lắp đặt cánh quạt phụ thuộc nhiều vào mức độ gió, nếu khoảng thời gian gió đạt tốc độ trên 10 m/s thì sẽ không lắp được cánh, còn nếu đạt trên 8 m/s thì sẽ không lắp được turbine quay. Hiện tại, địa bàn thi công đang vào vùng gió lớn vào ban ngày nên khi cẩu thiết bị lên sẽ bị lắc lư, không lắp được. Do đó, chỉ cẩu và lắp thiết bị vào khoảng thời gian 1-5 giờ sáng”-ông Quang cho hay.
Theo ông Hồ Quý Tri Thức-Phó Giám đốc Công ty cổ phần điện gió Ia Bang, được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương về các thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, thỏa thuận hướng tuyến đấu nối, cùng với sự quyết tâm cao nên công trình đã lắp đặt được 6 trụ turbine gió. Còn lại 6 trụ dự kiến đến cuối tháng 9 là hoàn thành. Hiện nhà máy đã phát thử nghiệm 2 trụ để thử tải. Mùa gió này chỉ phát 1/7 của công suất cực đại. Hiện Công ty đang chờ Cục Năng lượng tái tạo vào nghiệm thu trước 4 cột và dự kiến ngày 15-10 đưa vào vận hành thương mại.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: 17 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương và đang triển khai đầu tư thu hút nguồn vốn đầu tư trên 43.197 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động thì 1 MW điện gió sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 550 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu 1.242,4 MW điện gió khi đưa vào vận hành thương mại sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 680 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,6% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án điện gió đưa vào hoạt động sẽ bổ sung thêm một nguồn năng lượng quan trọng cho đất nước. Đồng thời, sẽ phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo nhiều việc làm cho người lao động... Ngoài ra, các nhà máy điện gió còn tạo ra hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch.
VŨ THẢO