Hé lộ "vũ khí bí mật" săn hành tinh mới của NASA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

NASA vừa hé lộ "vũ khí bí mật" mới mà họ kỳ vọng sẽ giúp con người nhìn thấy các hành tinh xa xôi được những "mặt trời" khác bao phủ trong vùng sáng bí ẩn.

Một dụng cụ đặc biệt gọi là "starshade" (tức "bóng râm của ngôi sao", trông như tấm khiên khổng lồ hình ngôi sao nhiều cánh hoặc tấm khiên mặt trời Maya) vừa được NASA giới thiệu. Theo các kỹ sư, đó là dụng cụ săn tìm hành tinh ngoài hệ mặt trời mới.

 

Mô phỏng dụng cụ hỗ trợ săn hành tinh mới của NASA - ảnh: NASA
Mô phỏng dụng cụ hỗ trợ săn hành tinh mới của NASA - ảnh: NASA



Như nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy việc tìm kiếm những hành tinh thuộc các "hệ mặt trời" khác bị cản trở rất nhiều bởi các sao mẹ xa xôi thường bao phủ các hành tinh của nó trong vùng sáng bí ẩn và chói lòa mà nó tỏa ra, nhất là các hành tinh ở gần nó.

Nhóm hành tinh nằm gần các ngôi sao, thường bị che khuất, có thể là các hành tinh nóng bỏng như Sao Kim, Sao Thủy, nhưng có khả năng lớn bao gồm các hành tinh nằm trong "vùng sự sống" như trái đất.

Tấm khiên hình sao to lớn của NASA sẽ được đặt ngoài không gian sao cho vị trí của nó che đúng vào ngôi sao mẹ, tạo ra một bóng râm giống như bông hoa nhiều cánh, đủ để các kính viễn vọng không gian bớt bị chói lòa và từ đó nhìn thấy được các hành tinh từng nằm trong vùng sáng bí ẩn.

Tất nhiên dự án sẽ chưa sớm thành hiện thực trong nay mai, bởi việc đưa nó lên vũ trụ và phối hợp được nó với kính viễn vọng không gian không đơn giản. Theo kỹ sư Michael bottom từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA, thách thức lớn nhất là chiếc khiên cần bay ở khoảng cách hơn 40.000 km trước ống kính của kính viễn vọng không gian.

Theo ông Phil Willems, người quản lý dự án Phát triển Công nghệ Starshade của NASA, họ dự tính sẽ nghiên cứu để cho tấm khiên hình sao này và kính viễn vọng không gian trong tương lai sẽ được phóng cùng một lúc trên 1 tàu vũ trụ, sau đó tách nhau ra khi đã ra ngoài không gian. Tấm khiên sẽ được đưa đi xa hơn, đủ để chắn tầm nhìn giữa kính viễn vọng và ngôi sao mục tiêu.

A. Thư (Theo Fox News, NASA)

Có thể bạn quan tâm