Hè chói nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng năm, tháng sáu âm lịch ở miền Trung, con người còn khô ran, giòn rụm nói chi tới cây lúa ngoài đồng; liếp rau, dây mướp, giàn bầu… trong vườn.

Còn may, là được gốc ớt chắc nhờ bón phân gà liên tục nên vẫn chưa chết, dù èo ọt. Vẫn có thể đâm nụ kết trái. Tới bữa, ba thằng Tí không đến nỗi phải dằn chén xuống mâm và lua đại lua đến cho rồi bữa. Cái ông đây có thói quen ăn cơm phải có ớt. Không chỉ để dằm với nước mắm mà còn là để cắn nữa.

Một bữa cơm, người này xử năm bảy trái ớt là bình thường. Mà phải là ớt hiểm mới chịu. Ớt hiểm nhỏ trái, có màu xanh cay lắm và rất thơm. Cơm không ớt, ổng ăn, chẳng qua là để có thứ bỏ bụng đặng có sức mà đi làm, chứ không hứng thú gì! Trúng nắng nóng quá mà canh mà rau trong mâm ăn, cũng ít ỏi sao đâu.

 
 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


Biết cha mẹ và chồng con nuốt cơm khó trôi giữa tiết hè oi bức, đi làm đồng về, dọc lối đường, tôi lo dòm nghiêng liếc xéo coi có thứ rau rác gì không. Có không rau má, rau dền, rau đắng…? Mấy thứ rau mà ở quê, người ta hay gọi chung là rau tập tàng, là quơ nhổ ngay. Chịu khó vậy, có bữa gặp may tôi cũng kiếm được cả nón. Mà không, trước giờ nấu ăn lại phải đỏ mắt kiếm tìm và mót máy khắp vườn may ra mới được mấy trái khổ qua quắt queo, trái mướp già chát mà lớn không nổi rồi mớ rau cằn cỗi. Một phần vì không sẵn tiền và chợ quán cũng xa nhưng cái chính vẫn là không có thói quen đi mua mấy thứ mà nhà, có thể nuôi trồng được. Thấy mắc cỡ bởi lối suy nghĩ: Chẳng lẽ ở ngay nhà quê mà không gieo được luống rau, chăm được gốc ớt, có được con gà… Thà là miếng thịt heo, thịt bò hồi nhà có công chuyện hay giỗ quải phải ra chợ mua không nói gì. Dân quê mà làm như người thành phố, coi sao được?

Chồng tôi hay nói: "Hồi giờ, ở nông thôn chỉ có thằng làm biếng mới không kiếm ra nổi con cua, con cá cho nhà ăn. Mà giờ, ngay như thằng rất làm siêng cũng đành bó tay, chịu chết". Ba thằng Tí nói vậy là ám chỉ cho chính mình. Người có biệt danh là: "Hai sát cá". Ba nó, là con đầu của ông nội và ở đây người ta kêu theo thứ. Bữa trước, sửa lại cái bếp vợ chồng tôi có kêu mấy chú tới giúp, chú Năm Bê cà khịa chê ba lũ nhỏ già rồi, dở rồi, lụt nghề sông nước rồi.

Ổng gằn giọng đáp trả tức thì: "Mùa khô mới có lưng lửng mà mấy người thấy không? Mương, ngòi cạn trơ tới đáy, sông kiệt khô… Đó, đứa nào nói siêng nói giỏi kiếm ra được mớ tép vụn thôi, là tao kêu ngon, là tao thưởng, cõng đi hết cái thôn này". Nghe ông chồng tôi thách, cả đám im re. Thấy không khí căng thẳng, tôi lật đật dọn nửa buổi cho mọi người không quên lấp liếm bằng mấy câu hài hước, cho vui. Cho nó qua… Tôi ngồi đó nên biết được hết câu chuyện. Thấy ổng nói hết trật, có điều, tính ba thằng Tí cộc nên lời ăn tiếng nói, không được dễ nghe. Chớ mà, ổng nói hoàn toàn trúng về tình trạng nông thôn, mấy năm nay.

Hồi trước, cá đâu chỉ có mùa nước mới sẵn mà ngay trong tiết trời oi bức hanh hao, nắng rát da rát mặt cũng đầy. Chỉ cần cái sõng một tay lưới và bỏ ra chừng một buổi, là mấy cha con nó kiếm đồ cho nhà ăn, đã đời. Mùa nào thức đó. Cua, lịch, chình, tôm, cá đủ hết. Cỡ này là cá trích rồi tới cá kình, cá đối… Cũng có khi gặp loại cá ngon hơn như cá thác lác, cá niên, cá măng. Còn mấy thứ cá như chốt, lúi… thì thường quá mà. Có những khi được nhiều tôi nấu, kho, làm chả vẫn không hết, phải "rộng" lại để ăn lần hoặc làm mắm. Mắm biển cũng ngon chớ mà không bằng mắm sông. Cá trắng, cá mương, cá sóc… thả lưới được nhiều vô kể. Tôi làm mắm rồi cà rồi rau dưa đầy vườn, kẹp ăn, thôi chớ nhức răng sưng lợi. "Nhức răng sưng lợi" là cách nói của cái ông đây.

Nhìn ba lũ nhỏ ăn cơm có mắm có ớt, lại thêm dĩa cà muối xổi, bắt mê. Ổng và cơm vun đầy miệng rồi quơ đũa gắp mấy lát cà, quẹt vô chén mắm, không quên cắn nửa trái ớt hiểm vừa nhai rau ráu vừa chắp hít, thấy mà thương. Vườn nhà tôi, chỉ nội một thứ rau dưa có tên là cà, đã đủ loại. Cà chua, cà dái dê xanh hoặc tím, cà đĩa, cà pháo… Đông đúc quá là họ hàng nhà cà. Lũ nhỏ thích nhất là những xế mùa nắng, sau giấc trưa, cả nhà ngồi ngoài hè xúm quanh rổ cà chua chín ửng, đỏ rựng và ăn bắt thỏa thuê. Hai anh em thằng Tí say sưa cạp cắn, cắn cạp. Ăn tạp ăn hư khiến nước cà đỏ, rệu rạo cả hai bên mép. Ở quê, ăn cà theo kiểu mộc vậy thôi. Cà dằm đường, ở nhà, chỉ có ông bà nội mới được ưu tiên. Mỗi người một ly to tổ chảng. Ông đỡ ly cà từ tay con dâu, móm mém cười: "Chớ chi dữ vậy bay?" rồi vội nhìn… thấu hiểu. Nội đâu nhai được, chỉ húp thôi vì bộ răng rớt hết rồi. Nhìn cái cách ông thưởng thức, biết ngay là ông rất ưng bụng. Ưng thì ưng hung nhưng cũng tội, bởi luôn dành lại cho Tí anh một phần ba ly. Bà nội, cũng rất ưa loại giải khát này và có thảo ăn hơn nên để lại cho Tí em phải trên nửa ly, chớ đâu có ít.

Nhưng những xế chiều mùa hạ như vậy, cứ thưa thớt dần rồi mất hút. Tự vì nắng, nóng càng lúc càng ghê hồn khiếp vía đã vậy thêm cái gió nam và nam non còn đỡ chứ nam cồ, ớn ợn. Mặc cho vợ chồng con cái, ngày hai cữ xách nước tưới bắt sặc sừ mà mấy luống rau, luống cà cứ héo úa lần lần rồi chết khô chết héo hết. Bà nội rên, đau lưng nhức mình rồi gió quỷ gió yêu gì mà ác liệt dữ vầy. Nó tấp tới, nó quần đảo cỡ chừng một bữa là tao đã lết bết hung rồi. Người còn vậy huống chi cây cỏ rau rác. Bà nội vừa dứt câu than là thằng Tí em chĩa mỏ liền:

- Nhưng người đây là người già chớ con, mắc gì!

- Bay nói vậy là hết cái vườn rau dưa của nhà đây, cũng già như tao chắc?

- Nó chưa già nhưng nó chưa lớn được bằng con. Nó còn con nít chay. Cỡ đó sợ chưa qua lớp chồi, yếu nhớt…

- Thì già bịnh thì nhỏ yếu nên nắng vầy gió vầy, mới chết ngắt chứ sao!

Thấy tình hình coi bộ không thuận, ông chồng tôi chen ngang:

- Đó, nội lại câu mâu với thằng cháu rồi. Cũng tội nó chớ! Đã mấy xế chiều thiếu cà dằm, thằng cháu đã dảnh mỏ, khô họng mà nội còn không thương.

- Úi! Tui thương tui chưa rồi nói gì mấy người.

- Vậy là ông nội, bà cũng không thương?

- Ổng, chồng tui. Điên ha không thương!

Nghe Tí em trả treo với nội, ba nó đã không la như mọi khi mà còn cười, nói cái thằng ngó lù khù vậy mà trí cũng không bết bát lắm! Bà nội chưa hết lử đử vì nam cồ tiếp tới ông nội. Ông cởi trần bận có cái quần cộc, ngồi miết ngoài hè tay liên hồi với cái quạt làm bằng mo cau. Còn bà nằm thiêm thiếp trên chiếc võng, mắc gần đó. Anh em Tí hỏi đến mấy lần nam non là sao nam cồ là sao, mà ông bà còn không muốn mở miệng trả lời nữa là. Dù, ông bà nội có cái tật mê nói. Chuyện gì trong nhà cũng giành phần… phát biểu. Ba thằng Tí hay cà rỡn: "Phải như cha mẹ giành giùm cái chuyện ăn cho khỏe người, lũ con cháu đỡ lo".

Ông nội cũng láu khỏi chê khi trề môi: "Tự vợ chồng bay cho tao ăn đâu có sướng. Chớ cứ cơm canh ú hụ ngon lành coi. Ngu ha, tao với má bay không giành". Ông nói bữa trước, ngay bữa sau, ông chồng tôi sai vợ bắt một con gà mái mập ù làm thịt nấu cháo, bồi dưỡng cho ông bà nội với lũ con. Ba lũ nhỏ chép miệng: "Tội! Người già nhà quê tội mà con nít nhà quê. Cũng tội!". Bà nội hấp háy mắt nói liền: "Còn con cái lỡ cỡ như vợ chồng bay. Không già không con nít chắc không tội hé?".

Tôi nghe mà ngắc ngứ trong cổ họng còn ba lũ nhỏ lầm bầm gì đó trong miệng, trước khi, sai con mua cho xị rượu gạo. Ông này chỉ bấy nhiêu đã say, nhưng mỗi khi nhà có cái gì đó ngon ngon, cũng nhâm nhi mấy ly. Như bữa nay với con gà mái mập ù, da vàng óng. Mình lớn vầy chững vầy mà nước miếng còn muốn tứa, huống gì lũ nhỏ. Cặp mắt của thằng Tí anh và Tí em, không cách gì rời khỏi cái dĩa gà đó.

Thằng em coi bộ còn bôn hung. Lăng xăng trải chiếu, dọn mâm chén và ngồi xếp bằng, ngay chỗ dĩa gà. Dứt khoát một chỗ đó chứ không chịu xích xê đi đâu. Cũng không cần giấu che sự thèm khát. Nhìn điệu bộ của anh em nó, lòng tôi cồn lên cái thương trong nỗi xót. Thương sao đâu và xót quá chừng. Sợ các con chờ lâu, tội. Tôi vội xé nhỏ cái lườn cho ông bà nội. Cho anh em Tí cặp giò. Còn ba tụi nó, nói thiệt, chỉ cầm cái đầu mút qua gặm lại trong từng húp rượu nhấp. Có nói quá mới ăn thêm hai cái chân, cái cần cổ. Là thôi! Uống xong xị rượu, húp thêm chén cháo, súc miệng và xỉa răng, uống nước rồi leo lên cái võng vẫn treo sẵn đầu hè, ca vọng cổ. Chưa rồi ba câu đã ngủ say.

Ổng nhiều lần tâm tình với vợ: "Là chỉ muốn vậy. Muốn thấy ông bà nội và anh em Tí được ăn sướng một chút. Để ba má tụi nó còn được hưởng xái chút đỉnh chớ khô ran khô rỉnh vầy, cha mẹ và con cái khổ mà mình cũng buồn. Nếu có cái tội nghiệp nào dành cho mấy người lớn lỡ cỡ như tôi với bà là cái tội đó". Và cái tội này càng lúc càng to thêm dựa vô mấy bữa, cả nhà được bồi dưỡng, càng lúc càng ít ỏi hiếm hoi. Khó quá! Khổ quá! Hè nắng nôi vầy mà… Ai lại không biết hè là nắng là nóng nhưng nắng nóng đâu cứ nhất thiết như trong mùa hè này. Nắng chói gắt, khó chịu. Nắng kinh hồn và khiếp vía tới mức vầy…

Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.