Hang Kia, Pà Cò - điểm đến đặc trưng văn hóa dân tộc Mông Hòa Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai xã Hang Kia, Pà Cò, Mai Châu, nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ, quanh năm có mây, sương mù bao phủ với hình thái thời tiết của 4 mùa trong một ngày.

Những biển mây cuồn cuộn xuất hiện vào mỗi buổi sớm mai tại Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài, Thung Mặn. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)
Những biển mây cuồn cuộn xuất hiện vào mỗi buổi sớm mai tại Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài, Thung Mặn. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)

Hang Kia và Pà Cò là hai xã vùng cao của huyện Mai Châu (Hòa Bình) nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò, nơi có đến hơn 90% là người dân tộc Mông. Với cảnh quan nguyên sơ, núi đồi hùng vĩ cùng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc riêng có, nhiều đời nay, đồng bào Mông ý thức được việc gìn giữ, đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế, tạo dựng vùng "đất hứa" vươn mình trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Điểm đến đặc trưng, hấp dẫn

Hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ tương đồng với Mộc Châu (Sơn La). Nơi đây, quanh năm có mây, sương mù bao phủ; hình thái thời tiết của 4 mùa trong một ngày: buổi sáng mát dịu như mùa Xuân, đến trưa nắng nóng như mùa Hạ, qua chiều se se lạnh như mùa Thu và thời tiết như những ngày mùa Đông khi màn đêm buông xuống.

Người Mông nơi đây có nhiều nghề truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày như: Dệt thủ công, thêu thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn, nghề làm giấy dó… Cùng với đó là nét văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo như: Rượu ngô, thắng cố, cải mèo, gà bản, lợn bản, xôi nếp nương, măng rừng…Khi Xuân về trên các xóm bản, các lối đi, vườn nhà hay các triền núi, Hang Kia, Pà Cò được phủ một màu trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận, điểm tô thêm màu hồng phai của những cây đào cổ thụ. Mùa Xuân gắn với những ngày Tết Mông, cũng là mùa lễ hội Gầu Tào - lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của cộng đồng người Mông.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hang Kia (Mai Châu) Vàng A Páo cho biết hai xã Hang Kia và Pà Cò đến nay vẫn còn giữ nguyên được những nét kiến trúc đặc thù của người Mông, có những điểm đến còn hoang sơ như đồi chè, vườn mận ở Thung A Láng, Thung Mặn, Thung Ẳng.

Hai xã còn có những điểm cao ngắm nhìn những biển mây cuồn cuộn vào mỗi buổi sớm mai như: Điểm Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài, Thung Mặn để có thể phóng tầm mắt ngắm được đỉnh Pù Luông (Thanh Hóa) và đỉnh Pha Luông (Sơn La).

Xóm Thung Mặn xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) với khung cảnh xanh mát, bình yên. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)
Xóm Thung Mặn xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) với khung cảnh xanh mát, bình yên. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)

Các trò chơi dân gian truyền thống được đồng bào Mông chơi trong lễ hội như: Bắn nỏ, đẩy gậy, đánh tu lu, thổi khèn, múa khèn… Du khách đến đây trong những ngày xuân còn được xem cách người Mông làm bánh giầy. Các chàng trai Mông giã nhuyễn cơm nếp mới trong cối gỗ hình máng (cối làm từ thân gỗ thớ mịn, rất chắc chắn, khoét rỗng phần ruột) bằng những chiếc búa gỗ khổng lồ. Theo quan điểm của người Mông, cơm nếp mới được giã nhuyễn càng kỹ thì bánh giầy sẽ càng dẻo, thơm ngon và để được lâu hơn.

Trong những ngày này, các cô gái, chàng trai Mông diện áo váy dân tộc sặc sỡ màu sắc đi chơi hội, không khí vui tươi, nô nức làm sáng bừng lên sức sống của vùng đất và con người nơi đây.Chị Hoàng Tâm (du khách đến từ Hà Nội) cho biết, khí hậu ở Hang Kia và Pà Cò trong lành, mát mẻ, người dân thân thiện và vùng đất này còn giữ nguyên những giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng của đồng bào Mông. Đây là điều đặc biệt thu hút nhiều du khách đến thăm quan, tìm hiểu phong cảnh, văn hóa và con người Hang Kia, Pà Cò.

Khai phá tiềm năng phát triển du lịch

Đồng bào Mông ở Hang Kia, Pà Cò đã dần từ bỏ các phong tục lạc hậu mà định canh, định cư, quy tụ thành những xóm bản, cùng nhau giữ gìn cảnh đẹp thiên thiên, văn hóa truyền thống và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng.Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, hai xã Hang Kia, Pà Cò hiện đã có hơn 10 gia đình làm mô hình homestay phục vụ khách du lịch, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng trăm lao động địa phương.

Chính quyền và nhân dân hai địa phương cũng chú trọng khai thác những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn gắn với bản sắc văn hóa dân tộc nhằm thu hút khách du lịch như: Các phiên chợ đêm giao lưu văn hóa dân tộc Mông; điểm săn mây Hang Kia; cắm trại đêm ngắm sao trời ở Hang Kia…Xã Hang Kia đã thành lập hợp tác xã hoạt động kinh doanh gắn với du lịch cộng đồng. Hiện có 4 hộ làm dịch vụ homestay cung cấp các dịch vụ lưu trú, ẩm thực.

Xã Pà Cò cũng thành lập Chi hội Nông dân làm homestay và các mô hình trải nghiệm cách làm nông nghiệp của người Mông ở Pà Cò. Các điểm du lịch cộng đồng tại hai xã đón khách tham quan, lưu trú quanh năm.Chị Sùng Y Múa (chủ homestay Y Múa) cho biết, với sự chung tay của chính quyền địa phương trong quảng bá, hỗ trợ vốn, kêu gọi đầu tư, ngày nay các homestay ở xã Hang Kia đã dần khang trang. Homestay Y Múa đã hợp tác được với nhiều đơn vị lữ hành, đón những đoàn khách lớn, trong đó đa số là khách quốc tế.

Không gian phòng nghỉ, lưu trú tại Homestay Y Múa xã Hang Kia. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)
Không gian phòng nghỉ, lưu trú tại Homestay Y Múa xã Hang Kia. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)

Du lịch tại Hang Kia, Pà Cò, du khách có thể lựa chọn các dịch vụ nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực dân tộc Mông tại các homestay như: Y Múa, A Dính, A Dơ, Sơn Bắc, A Páo…Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, chính quyền tỉnh cùng các cấp đã có nhiều giải pháp, định hướng tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân huyện Mai Châu, đặc biệt là người dân hai xã Hang Kia, Pà Cò xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, giúp tỉnh Hòa Bình thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Xác định du lịch cộng đồng được là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, chính quyền và nhân dân hai xã Hang Kia, Pà Cò và huyện Mai Châu quyết tâm thực hiện nhằm phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo, từng bước ngăn chặn tệ nạn ma túy, xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan. Điều này cũng góp phần gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Mông nơi đây.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm