Độc đáo hệ thống hang động xuyên thủy ở Tam Cốc-Bích Động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua những ngọn núi đá vôi, tạo nên hệ thống hang xuyên thủy mát lạnh với những khối thạch nhũ kỳ lạ, kể những câu chuyện hàng triệu năm trước, khi nơi đây còn là biển cả.
Các hang động được bao quanh bởi sông Ngô Đồng và những thảm lúa trải dài ven chân núi, đưa con người chìm đắm vào thiên nhiên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Các hang động được bao quanh bởi sông Ngô Đồng và những thảm lúa trải dài ven chân núi, đưa con người chìm đắm vào thiên nhiên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tam Cốc-Bích Động là quần thể hang động tuyệt đẹp nằm trong danh thắng Tràng An - khu du lịch trọng điểm Quốc gia Việt Nam.

Đây là quần thể danh thắng được Thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới năm 2014.

Tọa lạc tại Ngũ Nhạc Sơn, thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, quần thể danh thắng Tam Cốc-Bích Động có diện tích tự nhiên lên tới 350,3 hecta, sở hữu cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ thiên tạo với hệ thống hang động cả trên cạn và dưới nước, kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc tôn giáo cổ, các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần cách đây gần 1.000 năm.

Tam Cốc - Vịnh Hạ Long trên cạn

Vào năm 2015, Tam Cốc đã lọt vào danh sách “địa danh tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến” do tờ Telegraph (Anh) bình chọn.

Đầu năm 2018, Tam Cốc tiếp tục xuất hiện trên Tạp chí Business Insider ở vị trí đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh với hình ảnh dòng sông Ngô Đồng như dải lụa mềm mại, vắt lên thảm lúa vàng óng, uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi.

Tam Cốc được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn. Từ xa xưa, vùng này là biển cả, qua hàng trăm triệu năm sóng vỗ đã bào mòn, khoét sâu núi đá, tạo nên những tuyệt tác hang động như ngày nay.

Để khám phá Tam Cốc, du khách sẽ di chuyển bằng thuyền xuôi dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi đá, hang xuyên thủy, và cánh đồng lúa rập rờn ven chân núi, mỗi thời điểm trong năm lại mang một màu sắc khác nhau khiến du khách choáng ngợp.

Nhìn từ trên cao, Tam Cốc tựa Vịnh Hạ Long trên cạn với những dãy núi đá vôi trầm mặc trên mặt nước. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhìn từ trên cao, Tam Cốc tựa Vịnh Hạ Long trên cạn với những dãy núi đá vôi trầm mặc trên mặt nước. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tam Cốc, có nghĩa là 3 hang, gồm Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba. Cả 3 hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng chảy xuyên qua núi.

Trong 3 hang động, Hang Cả lớn nhất với chiều dài khoảng 127m, xuyên qua một quả núi lớn, vòm trần có độ cao khoảng 20m.

Khi thuyền vào trong hang, du khách sẽ cảm nhận rõ sự trong trẻo mát mẻ của không gian nơi đây, chỉ có tiếng mái chèo khua nước róc rách nhè nhẹ và tiếng người lái đò kể những huyền tích xa xưa về những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng ẩn hiện trong hang.

Qua khỏi Hang Cả, thuyền đưa du khách đi khoảng 1km nữa là đến Hang Hai. Hang Hai có chiều dài 60m và cũng tương tự Hang Cả, không khí trong hang rất mát mẻ dễ chịu với những khối thạch nhũ kỳ lạ, mang trong mình những câu chuyện kỳ bí từ trí tưởng tượng của người dân địa phương.

Hang Ba nằm khá gần Hang Hai, ngắn hơn, chỉ dài khoảng 50m, vòm hang cũng thấp hơn so với Hang Cả và Hang Hai. Du khách đôi khi phải cúi thấp đầu để không va phải trần đá phía trên.

Có vô số những thạch nhũ muôn hình vạn trạng trong các động. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Có vô số những thạch nhũ muôn hình vạn trạng trong các động. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Hành trình đi thuyền khám phá 3 hang xuyên thủy ở Tam Cốc kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, bao gồm cả lượt đi và lượt về. Sau đó, du khách sẽ khám phá động khô Thiên Hương và thăm viếng Di tích lịch sử Đền Thái Vi.

Xưa kia, vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần dựng hành cung Vũ Lâm trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Đền Thái Vi là nơi thờ các Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các Tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và Hoàng hậu Trần Thị Dung, cách bến thuyền Tam Cốc 2km.

Trước khi vào Đền, du khách sẽ dừng chân ở Động Thiên Hương, một động khô và sáng nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15m.

Những ánh nắng chiếu xuyên qua những lỗ thủng trên vòm động Thiên Hương tạo nên một không gian lung linh sắc màu, rất ấn tượng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Những ánh nắng chiếu xuyên qua những lỗ thủng trên vòm động Thiên Hương tạo nên một không gian lung linh sắc màu, rất ấn tượng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Động có chiều cao khoảng 60m, sâu 40m, rộng 20m. Đỉnh động rỗng nên động còn có tên là Động Trời.

Nằm gọn trong động là miếu thờ Hoàng hậu Trần Thị Dung, vợ Vua Lý Huệ Tông, người đã truyền nghề thêu ren cho người dân xã Ninh Hải.

Bích Động - Nam thiên đệ nhị động

Nằm cách bến Tam Cốc tầm 2km, Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi và phía trước là Xuyên thủy động – một động nước xuyên qua lòng núi.

Chính bởi vẻ đẹp độc đáo được thiên nhiên ban tặng kết hợp giữa đá và nước đã khiến Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động,” nghĩa là động đẹp thứ nhì trời Nam, chỉ sau động Hương Tích ở vùng Hương Sơn.

Lối vào Xuyên thủy động ở Bích Động. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Lối vào Xuyên thủy động ở Bích Động. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Bích Động có nghĩa là Hang Xanh, tên do Tể tướng Nguyễn Khiêm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho danh thắng này khi ông đến đây vào năm 1773.

Trước khi vào động khô, du khách sẽ ngồi thuyền đi qua Xuyên thủy động - một động tối ngập nước, có hình dạng tựa như đường ống bán nguyệt, chiều dài khoảng 350m, chiều rộng khoảng 6m. Trần và vách động khá bằng bằng, có hình vòm cung với vô số nhũ đá rủ xuống rất đẹp.

Điểm độc đáo ở Xuyên thủy động là phía trong động có một vòm cổng tự nhiên hình chữ M chia thành 2 lối đi, được người dân địa phương giải thích rằng đó là cửa Cha và cửa Mẹ, vì thế có câu nói khi vào Xuyên thủy động: "đi vào cửa Cha - đi ra cửa Mẹ."

Cửa Cha và cửa Mẹ trong Xuyên thủy động. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Cửa Cha và cửa Mẹ trong Xuyên thủy động. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Trên đường đi vào, thuyền đi qua cửa Cha cao và hẹp hơn, còn đường đi ra qua cửa Mẹ thì thấp nhưng rất rộng. Thế mới thấy tạo hóa tự nhiên mà cũng thật hữu ý.

Chùa Bích Động nằm ở phía sau núi, đối diện lối vào Xuyên thủy động. Khi quay trở ra kết thúc hành trình Xuyên thủy động, du khách tiếp tục leo núi để tới động và Chùa Bích Động.

Chùa Bích Động là ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên từ năm 1428 đầu thời Hậu Lê. Ngày nay, trong chùa vẫn còn đó một quả chuông lớn được đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa.

Du khách tham quan Chùa Bích Động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Du khách tham quan Chùa Bích Động. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đến thời Lê Hiển Tông (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.

Di tích lịch sử Chùa Bích Động và danh lam thắng cảnh Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kỳ vĩ của hang động, núi non với sự tài hoa, khéo léo của con người... Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá, hang động, tạo thành một khối thống nhất, vững chắc.

Trong quần thể hang động Tràng An và khu vực Tam Cốc-Bích Động hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật, bằng các chất liệu, như đá, đồng, gỗ... có niên đại chủ yếu từ thời Nguyễn.

Cảnh sắc của Tam Cốc-Bích Động được cho là đẹp nhất vào mùa Hè, khoảng cuối tháng Năm đầu tháng Sáu. Lúc này, cánh đồng lúa hai bên sông Ngô Đồng chín vàng rực, tô điểm cho danh thắng thêm vẻ lộng lẫy.

Mùa lúa chín ở Tam Cốc khiến du khách mê đắm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Mùa lúa chín ở Tam Cốc khiến du khách mê đắm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đây cũng là thời gian mà những đầm sen, đầm súng ở gần Tam Cốc nở rộ. Giữa khung cảnh non nước hữu tình, những đầm sen hồng-trắng và hoa súng tím biếc xòe cánh tỏa hương thơm ngây ngất - là những điểm check-in khó cưỡng đối với nhiều du khách.

Không chỉ mùa Hè, Tam Cốc-Bích Động ở những thời điểm khác trong năm cũng vẫn mang vẻ quyến rũ riêng. Chẳng hạn vào mùa Xuân từ tháng Một đến tháng Ba, là khoảng thời gian lý tưởng để khám phá nhiều lễ hội lớn nổi tiếng tại Ninh Bình, như lễ hội Trường Yên tại Hoa Lư diễn ra vào 8/-10/3 âm lịch.

Thời tiết tại Ninh Bình lúc này mát mẻ, không khí trong lành, du khách có thể vừa tham gia vào lễ hội, chèo thuyền quanh sông Ngô Đồng, vừa tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp khoáng đạt, sơn thủy hữu tình.

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.