Hải Dương phấn đấu đến 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc;…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, quy mô 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện); 235 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 178 xã và 10 thị trấn).

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương (ảnh tư liệu)

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương (ảnh tư liệu)

Mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582 nghìn tỷ đồng.

Về xã hội, quy mô dân số đạt khoảng 2,55 triệu người với dân số tăng bình quân khoảng 2,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia phấn đấu các cấp mầm non đạt trên 90%; tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt trên 95%; trung học phổ thông đạt trên 90%.

Về bảo vệ môi trường, tỷ lệ che phủ rừng từ 5,2% đến 5,6%. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Về kết cấu hạ tầng, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cấp điện, cấp thoát nước… bảo đảm cho nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính

Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Quyết định nêu rõ, phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

Một góc Khu công nghiệp An Phát I, huyện Nam Sách. Ảnh minh họa: TTXVN

Một góc Khu công nghiệp An Phát I, huyện Nam Sách. Ảnh minh họa: TTXVN

Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như sau:

Ngành cơ khí chế tạo đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao như: kim loại chất lượng cao, kim loại màu phục vụ công nghiệp, sản xuất động cơ, sản phẩm cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, các loại máy xây dựng, máy móc công nghiệp, điện tử, tiến tới sản xuất ô tô điện, các máy móc công nghệ cao và robot…

Ngành điện, điện tử đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong ngành thiết bị gia dụng, thiết bị điện tử thông minh, tiến tới sản xuất các sản phẩm cảm biến và sản xuất vi mạch điện tử (chip) quy mô lớn.

Ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, trong đó ưu tiên ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử để tận dụng tiềm năng liên kết vùng hiện có và năng lực cung ứng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong tỉnh. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất bán thành phẩm, phụ tùng, linh kiện, cụm linh kiện cao cấp, lắp ráp phụ trong ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc công nghiệp, điện tử, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngoại vi, bo mạch, màn hình, thiết bị chuyên dụng cho ngành thiết bị điện tử, gia dụng.

Phát triển công nghiệp theo 3 vùng: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; Vùng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng; Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Phát triển nông nghiệp theo 6 vùng

Theo Quy hoạch, phát triển nông nghiệp theo 6 vùng: Vùng canh tác rau vụ đông tại huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn; Vùng cây ăn quả chủ lực tại huyện Thanh Hà và TP. Chí Linh; Vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tại huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Gia Lộc; Vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao tại huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang; Vùng chăn nuôi chủ lực tại huyện Cẩm Giàng, huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và TP. Chí Linh; Vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang, huyện Kim Thành, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP. Chí Linh.

Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Phấn đấu đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một góc thành phố Hải Dương (ảnh: Google Sites)

Một góc thành phố Hải Dương (ảnh: Google Sites)

Phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Quy hoạch nêu rõ, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I là TP. Hải Dương; 1 đô thị loại II là TP. Chí Linh; 1 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 7 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó: chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư

Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Hải Dương huy động tổng hợp các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu ngân sách.

Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Hải Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại.

Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật có liên quan.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.