Hai anh em "bỏ phố lên rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2014, chuyện hai anh em Thanh và Thành, một người là Thạc sĩ chuyên ngành Địa-Kỹ thuật, đang nắm giữ vị trí giám đốc một mỏ đá trên địa bàn TP. Pleiku và một người vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đột ngột quay về… làm rẫy khiến người dân thị trấn Đak Pơ một phen bất ngờ.

Vậy nhưng, suốt 2 năm trời miệt mài, vượt qua sự phản đối của gia đình, họ, người 32 tuổi, người 25 tuổi, đã và đang viết nên một câu chuyện đẹp về ý chí, lòng đam mê và giấc mơ làm chủ cuộc đời.

Học đại học để về… làm rẫy

Ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo trên khu đồi cao mà bốn bề chỉ là gió, những khu ruộng mía vừa sau vụ thu hoạch tơi nồng mùi đất xen lẫn khu rừng bạch đàn tĩnh lặng. Chỉ cách quốc lộ 19 chừng hơn 1 km, khu trang trại rộng đến 20 ha được 2 anh em “phân bổ” như sau: 10 ha mía, 7 ha bạch đàn, 2 ha mì, số còn lại là diện tích ao, hệ thống mương dẫn nước, ngoài ra còn có khu đất trồng thử nghiệm một số loại cây ăn trái…

 

Thiều Trung Thành chăm sóc cho vườn giống chuối mốc cấy mô. Ảnh: L.H
Thiều Trung Thành chăm sóc cho vườn giống chuối mốc cấy mô. Ảnh: L.H

Người em trai là Thiều Trung Thành (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) trải lòng: Không như đại đa số sinh viên khác sau khi ra trường cố gắng tìm một công việc phù hợp tại TP. Hồ Chí Minh, Thành lặng lẽ quay về quê nhà, thực hiện ước mơ và dự định bấy lâu nay ấp ủ: lập trang trại. “Hai anh em rất đồng chí hướng và đã thống nhất trước đó với nhau nên năm 2014, khi mình vừa tốt nghiệp ngành Sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, anh Thanh cũng rời bỏ vị trí giám đốc mỏ đá về Đak Pơ cùng nhau khởi nghiệp”-Thành kể lại. Quyết định này ngay lập tức gặp phải sự phản đối rất quyết liệt của gia đình, bởi trước đó bố Thành đã sắp xếp đâu vào đó chuyện công ăn việc làm cho anh tại một nhà máy lớn.

Thành thích làm rẫy ngay từ khi chạm ngưỡng học cấp III. Với anh, việc thi vào ngành Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng là nhằm trang bị lượng kiến thức cần thiết để thực hiện ước mơ sau này. Suốt 4 năm học đại học, anh dành tiền đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Bất cứ đâu có mô hình nông nghiệp hay, anh cũng đều ghé thăm để tham quan, tìm hiểu và học hỏi. Cũng bởi sự tích lũy kiến thức không chỉ ở trường lớp mà còn là sự dấn thân vào thực tế đã cho anh những kinh nghiệm và ý tưởng quý báu để áp dụng cho chính mình.

Những ngày đầu khởi nghiệp, với họ, không hề dễ dàng. Để có nguồn thu hàng ngày, họ xây dựng chuồng trại, mua 3 con bò lai về nuôi gây giống, ngoài ra còn nuôi gà ta lấy giống, vịt, thỏ… bán cho người dân xung quanh. Riêng năm vừa rồi, họ xuất bán ra thị trường trên 1.000 con gà giống. “Thời gian đầu chưa có nguồn thu, hai anh em còn chăm lan rừng bán lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt những tháng đầu”-Thành vui vẻ chia sẻ. Khi được hỏi rằng, có lúc nào vì mệt mỏi mà nản chí không? Thành cười giản dị: “Đó là ước mơ từ nhỏ của mình. Làm điều mình theo đuổi bằng đam mê thì mọi thứ luôn thú vị”.

“Đừng từ bỏ ước mơ”

Nền tảng là 20 ha đất rẫy của gia đình, nhưng khi vấp phải sự phản đối, Thành và Thanh đã gần như phải tự xoay xở mọi thứ. “Hai anh em vay vốn 300 triệu đồngđcủa Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Số vốn ấy dùng để  đầu tư nền tảng ban đầu, bởi khu đất ấy chưa thể canh tác ngay nếu muốn lâu bền. Bằng kiến thức học được, mình biết thửa đất này một nửa là đất cằn cỗi bạc màu, một nửa lại nhiễm phèn nặng mà đâu đâu cũng lổn nhổn đá, rất khó khăn cho cơ giới hóa sau này. Bởi vậy, muốn canh tác bắt buộc phải cải tạo đất và xây dựng nền tảng ban đầu cho trang trại với các yếu tố cơ bản nhất: nguồn nước, cải tạo chất đất và tìm cây trồng phù hợp”-Thành nói. Hành trình gần 3 năm trời cải tạo khu đất với Thành và Thanh, đó là một quá trình mà đôi khi ngẫm lại, chính họ còn thấy sợ…

 Và rồi đất đã không phụ người. Nếu trước đây đất này trồng mía chỉ được 500 tấn/10 ha là may, thì vụ mía vừa rồi họ thu được 700 tấn mía và tự liên hệ, bán trực tiếp cho nhà máy. Trong quá trình trồng, khoảng từ tháng thứ 6 đến 9 họ  thuê người bóc bỏ lá mía già. “Việc này vừa hạn chế dịch bệnh, lá mía lại có thể ủ thành phân, tiết kiệm được 1 đợt làm cỏ và khoảng 30% lượng phân bón hóa học”-Thành phấn khởi.

Chỉ riêng năm 2016, trang trại của Thành và Thanh đã cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, hai anh em thu lãi ròng trên 500 triệu đồng. Không chỉ tạo thu nhập cho mình, thời kỳ cao điểm trang trại của Thành và Thanh còn giải quyết công việc cho khoảng 60 lao động thời vụ. Số tiền thu được từ thành quả mùa vụ, 2 anh em lại tiếp tục đầu tư cải tạo và mở rộng thêm. Tới đây, với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Đak Pơ, họ sẽ đưa vào trồng thử nghiệm 1.000 gốc chuối mốc cấy mô. Dự tính của Thành và Thanh trong tương lai là sẽ “xóa sổ” hoàn toàn 7 ha bạch đàn để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. “Kế hoạch của tụi mình là sẽ xây dựng nơi đây thành một khu trang trại sinh thái thu nhỏ với hệ thống cây ăn trái kết hợp chăn nuôi”-Thành cho biết.

“Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”-đó là chia sẻ của Thành về hành trình khởi nghiệp. Ngoài ra, với vai trò Bí thư chi đoàn tổ dân phố 2, Thành cho biết anh luôn sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh-nhất là các bạn trẻ còn khó khăn trên hành trình lập thân, lập nghiệp-những kinh nghiệm đã có để giúp mọi người cùng đi lên.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Thiều Trung Thành:
 

  • Dám ước mơ và chấp nhận thử thách.
     
  • Kiên trì, chuẩn bị kỹ càng để biến ý tưởng thành hiện thực.
     
  • Học hỏi ở mọi nơi.
     

 Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm