Góc nhìn văn hóa từ góc ban công của ca sĩ Tuấn Hưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khó có thể hình dung được, hàng nghìn người đã tập trung trước nhà của ca sĩ Tuấn Hưng để theo dõi liveshow "Góc ban công" tối 24.9.

 

 Nhiều người đổ đến phố Hàng Khay, nghe ca sĩ Tuấn Hưng hát ở
Nhiều người đổ đến phố Hàng Khay, nghe ca sĩ Tuấn Hưng hát ở "góc ban công". Ảnh: T.T


Có lẽ rất hiếm có một chương trình ca nhạc nào đặc biệt như vậy, ca sĩ đứng hát ở ban công nhà và hàng nghìn người thưởng thức.

Không dễ để nghe ca sĩ Tuấn Hưng hát, phải đi từ sớm, chen chúc nhau tìm được chỗ đứng giữa trời, nhưng người ta vẫn kéo nhau đi. Chuyện gì xảy ra vậy?

Có phải vì ngưỡng mộ thần tượng, vì say mê một giọng ca, hay vì điều gì khác mà cả biển người kéo đến một "góc ban công" để nghe hát?

Tuấn Hưng, trên chiếc ban công nhỏ của nhà mình, anh đã có sức thu hút đến lạ lùng. Khán giả đến với anh quá sức của anh tưởng tượng, đến mức anh phải bật khóc và quỳ xuống cảm ơn.

Tuấn Hưng đã có một ứng xử tuyệt vời, chân thành, ai cũng có thể thấy được cảm xúc thật thà đó, không phải "diễn".

Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) quyết định xử phạt ca sĩ Tuấn Hưng 12,5 triệu đồng liên quan đến vụ việc hát liveshow không xin phép ở ban công nhà riêng. Tuấn Hưng đã thừa nhận việc làm không đúng của mình và đã xin phép đúng quy định, cam kết thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch.

Đông đảo người đến nghe Tuấn Hưng hát dưới ban công nhà của ca sĩ, đó là một nét văn hóa đẹp, và đương nhiên, yêu âm nhạc thì không có gì xấu cả.

Tập trung cả nghìn người để nghe livestream lăng nhăng, chửi bới người này kẻ khác thì mới là xấu xa, còn nghe nhạc chỉ làm cho con người vui tươi, yêu đời, sống có cảm xúc hơn mà thôi.

Hàng nghìn người đến nghe Tuấn Hưng hát, hiện tượng này còn cho thấy rất nhiều người yêu nghệ thuật, khát khao hưởng thụ văn hóa, và thực tế đang thiếu sân chơi văn hóa mang tính công cộng. Không phải ai cũng có tiền để mua vé vào nhà hát để hưởng thụ âm nhạc, mà chỉ có thể đến với sân khấu ngoài trời để nghe nhạc miễn phí.

Cũng có thể nhiều người thích sản phẩm độc, lạ, và cách "chơi" của Tuấn Hưng đã đánh trúng vào sở thích cũng như tâm lý "độc, lạ" đó của số đông.

Nhưng cho dù vì lý do gì, thì việc trình diễn âm nhạc thu hút được "biển người" đến xem cũng là điều tốt, lẽ dĩ nhiên là phải đảm bảo trật tự, an toàn cho bà con.

Nên chăng, sản phẩm này của ca sĩ Tuấn Hưng và nhóm nghệ sĩ bạn của anh được trình bày định kỳ, hằng tuần, để mọi người thưởng thức. Đây là sản phẩm văn hóa nhưng cũng là sản phẩm du lịch trên phố đi bộ của Thủ đô Hà Nội.

Các nghệ sĩ khác, cũng nên suy nghĩ để sáng tạo những chương trình nghệ thuật độc đáo, cống hiến thực sự cho công chúng và tạo ra những không gian văn hóa đẹp cho cộng đồng.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/goc-nhin-van-hoa-tu-goc-ban-cong-cua-ca-si-tuan-hung-1097187.ldo

Theo Lê Thanh Phong  (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.