Góc bếp của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi lấy chồng xa. Mỗi lần về nhà chồng, với phận làm dâu con, công việc của tôi gắn liền với chợ búa, bếp núc lo lắng ngày ba bữa ăn cho cả gia đình. Nông thôn nay đã đổi mới nhiều, nhà nào cũng có bếp gas, nồi cơm điện. Nhà mẹ chồng tôi cũng vậy. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích đun bếp rơm, bếp củi để cảm nhận mùi rơm rạ và mùi nồng nàn của củi khô cháy đượm.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Lửa rơm cháy nhanh nhưng cũng tàn nhanh, phải làm sao điều tiết được lửa cháy đều thì cơm mới ngon. Muốn thế người nấu phải đều tay, tay trái rút rơm, tay phải cầm cây cời gầy rơm cho đều lửa. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua làm ngọn lửa rơm cháy to hơn, rực sáng trong chiếc bếp kiềng ba chân vững chãi. Cái khó là khi mở nồi cơm để ghế thì phải cẩn thận kẻo tàn tro bay vào nồi. Cơm cạn, ghế qua cho ráo rồi gạt tro đang nóng đỏ ở trong bếp sang một bên, đặt nồi cơm xuống, tiếp tục nấu món khác để lấy than rơm vùi cho nồi cơm chín. Năm phút một lần lại gạt than rơm, thi thoảng xoay nồi về phía bếp để cơm chín đều. Canh đến lúc cơm gần chín thì mở vung xới qua rồi đậy nắp lại. Sau vài chục phút vất vả thì cơm cũng đã chín thơm mùi gạo mới, cháy vàng ươm nơi đáy nồi gang. Nhớ khi xưa, mấy anh em tôi cũng thường chia nhau cơm cháy. Cái thuở còn nghèo xác xơ thì miếng cơm cháy ấy đã là một món ngon hảo hạng nhất đời...
Nhưng muốn nấu đồ ăn ngon thì phải dùng lửa củi chứ không phải lửa rơm. Củi được cha đẵn tỉa từ đám cây trong vườn nhà; dưới cái nắng như rang của mùa hè, củi khô rất nhanh, được chất thành từng đống để dành đun dần. Những món ăn quê nấu bằng bếp củi món nào cũng ngon và dậy mùi: rau xào xanh mướt, cá kho rim chắc nịch, món canh xương hầm bí mềm rục...
Ngước mắt nhìn lên là cái gác bếp. Trên đó, mẹ sắp các loại thúng, mủng, giần, sàng để dùng cho mùa màng. Đồ nan tre để trên gác bếp luôn được hun khói nên rất bền, không bị mối mọt. Bên cạnh bếp lửa là cái vại đựng muối hột bằng sành mẹ để dành muối dưa cà hay để ngâm cá làm nước mắm. Chiếc giỏ bằng nan tre đựng hành tỏi cũng được mẹ treo bên bếp, tiện cho việc chế biến thức ăn mà hành tỏi để lâu cũng không bị úng, hư hỏng.
Tôi vừa nấu ăn vừa nghĩ về bếp lửa, về những người phụ nữ đảm đang giữ lửa cho gia đình. Không hiểu sao tôi cứ thích ngồi trong góc bếp hơi tối ấy nhìn khói bay qua mấy ô thông gió trước mặt, rồi nghĩ bao điều về cuộc sống của mẹ cha gắn liền với đám ruộng, cây đậu, con trâu, con gà... Thật kỳ diệu khi hơi ấm của lửa đã giúp ta níu giữ những sợi dây tình cảm trong gia đình. Thỉnh thoảng có cơn gió lồng vào chái bếp hẹp, tạt khói cay xè mắt. Vậy mà, tôi vẫn thấy yêu bếp lửa, yêu góc bếp của mẹ như thuở nào.
Mai Hương

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.