(GLO)- Cuộc sống của hầu hết người khuyết tật (NKT) đều rất khó khăn. Vì vậy, việc giúp NKT giải quyết khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng là hết sức cần thiết. Hoạt động này càng được quan tâm nhân Ngày NKT Việt Nam (18-4).
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 20.000 NKT, trong đó có 13.000 NKT nặng và đặc biệt nặng cần sự quan tâm trợ giúp của toàn xã hội. Năm 2010, Luật NKT ra đời cùng với sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, đời sống vật chất và tinh thần của NKT đã có những thay đổi đáng kể.
Đến nay, hơn 13.000 NKT nặng trên toàn tỉnh Gia Lai đã được giải quyết trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng với mức hỗ trợ từ 280.000 đồng đến 675.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội còn là “cầu nối” kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh hỗ trợ vật chất, thăm hỏi, tặng quà, khám-chữa bệnh, tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ vận động miễn phí cho đối tượng này. Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho hàng ngàn trẻ em bị tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh, chỉ định hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho 30 em. Sở cũng đã kêu gọi Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ hàng trăm xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình… góp phần không nhỏ giúp NKT vượt lên số phận, xây dựng cuộc sống ổn định và hòa nhập cộng đồng.
|
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (bìa trái) thăm, tặng quà người khuyết tật. Ảnh: Đ.Y |
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có những chính sách cụ thể hơn nữa nhằm chia sẻ, giúp đỡ NKT trên địa bàn tỉnh. Về phía Sở, chúng tôi chú trọng thực hiện đúng, đủ, chính xác các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NKT. Đồng thời, đổi mới công tác phối hợp, vận động, kêu gọi nhằm thu hút các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa..., góp phần giúp NKT cải thiện cuộc sống, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội”. |
Nhân Ngày NKT Việt Nam năm nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND TP. Pleiku và huyện Krông Pa tổ chức thăm hỏi và trao tận tay 50 suất quà (trị giá 500.000 đồng/suất) cho NKT đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn. Sau 11 năm nằm liệt vì tai nạn lao động, ông Nguyễn Đăng Lâu (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) hết sức xúc động khi có đoàn đến thăm. Ông cho biết: “Tôi bị gãy đốt sống lưng sau một vụ tai nạn lao động. Bây giờ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ cậy vào vợ và các con. Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, vợ cũng thường xuyên đau ốm, không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống rất bấp bênh. Hàng tháng, tôi nhận được 540.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước giúp trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Được nhận quà lần này, tôi rất vui và cảm động”.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Lan (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) bị khuyết tật bẩm sinh. 42 năm qua, chị chỉ quanh quẩn cùng mẹ trong căn nhà tạm. Thấy có đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, chị cười tươi chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật ở chân nên việc đi lại rất khó khăn. Nhà có 4 anh chị em, 3 người khỏe mạnh thì đã lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn lại 2 mẹ con. Mẹ tôi già yếu nên hàng tháng 2 mẹ con sống nhờ tiền trợ cấp của Nhà nước. Món quà này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn động viên tinh thần, tiếp sức rất lớn cho những NKT như tôi”.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Quan tâm hỗ trợ NKT là trách nhiệm của toàn xã hội. Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội còn phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân hỗ trợ về vật chất và tinh thần giúp NKT tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Bằng nguồn kinh phí dạy nghề cho NKT gắn với Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956), hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hỗ trợ cho hàng trăm NKT tham gia học nghề, tạo việc làm. Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cũng thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế tặng heo giống cho NKT tại 2 xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) và Tơ Tung (huyện Kbang). 7 năm qua, Hội Người mù tỉnh cũng rất tích cực trong việc chăm lo vật chất, tinh thần cho hội viên, người mù. Hội đã thành lập được 2 cơ sở massage, bấm huyệt cổ truyền tại nhà số 21 Nguyễn Du và 127 Cách mạng Tháng Tám (TP. Pleiku), qua đó tạo việc làm cho 10 người mù với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Hội Người mù tỉnh còn hỗ trợ vốn sản xuất cho 10 NKT để họ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đang tạo việc làm cho 123 NKT trên địa bàn.
Theo bà Thanh, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 90% NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế; 80% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm các khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 100% NKT đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; 70% NKT có khả năng học tập, làm việc được tiếp cận giáo dục, tạo việc làm…
ĐINH YẾN