Tạp bút của NGUYỄN THỊ THANH
Tháng sáu, Quy Nhơn vào mùa Nam cồ. Gió lang thang khắp nơi. Người dân Quy Nhơn gọi “Nam cồ” để phân biệt với “Nam non” vào tháng tư, tháng năm. Đặt tên gió thôi mà cũng nghe rặt ri chất Nẫu, thương đến tận cùng chữ thương luôn vậy.
Tháng sáu, gió ào ạt gió nhưng trời thì nóng như rang. Cả không trung như bị một cái chảo lửa khổng lồ úp chụp lấy. Bức bối. Giữa trưa nắng gió mà có việc phải đi ra đường nghe chừng ngán đến tận ót chứ chẳng chơi. Nhưng thử hỏi, nếu như có một ngày Quy Nhơn vắng gió liệu mình có thấy buồn không? Chắc chắn sẽ cảm thấy thiếu vắng nhiều lắm. Tôi thích vũ điệu của gió và cây xanh. Gió cứ tinh nghịch mà lật ngửa phiến lá lên, phơi cái bụng bạc thếch ra rồi mặc sức trêu đùa. Gió ú òa sau vòm lá. Gió hát tình ca cùng mây trắng nắng vàng. Tôi gọi khoảng trời tháng sáu là khoảng trời của gió.
Trước ngõ vào nhà tôi có hai cây vú sữa, bóng lá đã tỏa mát một quãng đường nho nhỏ đủ để cho ký ức của tôi rong chơi về miền nắng gió xa xôi. Ngày xưa nhà tôi cũng trồng một cây vú sữa ngay lối đi. Trái chưa kịp đổi màu tím thẫm là chị em tôi đã trèo lên vặt, bóp nặn một hồi rồi ăn. Ngon ngọt đâu chưa thấy chỉ thấy miệng đứa nào cũng tèm hem nhựa. Giờ tất cả kỷ niệm yêu nhớ đó được gió nam xứ Nẫu kéo giật trở về mà nghe thương quá ngày xưa. Nhìn ngọn gió nghịch ngợm lật ngửa từng phiến lá, phơi cái bụng trần tím đỏ như mắt người mẹ khóc vì mong nhớ con là lòng lại thấy rưng rưng.
![]() |
Tranh của họa sĩ VŨ HOÀNG TUẤN |
Đi trên đường những ngày gió nam về vừa sợ vừa có nhiều điều thú vị. Gió cứ xoay tròn lấy bánh xe như muốn nhấc bỗng lên không trung. Nhớ lúc tôi còn dạy ở trường cũ, đường đến trường phải băng qua một cánh đồng mà lúc nào cũng mênh mang gió. Gió nhẹ thì thảnh thơi mát mẻ nhưng mùa gió nam về thì cũng hơi run tay. Gió tạt ngang thân xe đẩy tay lái cứ muốn chệch ra khỏi đường. Không riêng gì tôi thấy run tay mà mấy đồng nghiệp nữ của tôi khi đi trên quãng đường đó cũng đều cảm thấy như vậy. Tôi tưởng tượng, vào lúc ấy, tay lái non mà chạy không cẩn thận kiểu gì cũng bị “cuốn theo chiều gió” luôn chứ không giỡn.
Nhưng đi trong trời gió cũng có cái thú của nó. Gió quét mặt đường ràn rạt. Gió hất tung bụi và lá vàng rồi gom tất cả lại bằng những đường gió xoáy. Gió thổi sạch tinh tươm con đường, rồi lại tinh nghịch đổ òa những gì vừa gom được ra, trông cứ như người ta rắc hỷ lạc hoa trong đám cưới. Một vài cánh hoa dầu bay như những chiếc chong chóng nâu khiến con đường bỗng trở nên thi vị vô cùng. Người ta vẫn bảo, con người hay bất cứ thứ gì cũng đều có hai mặt tốt - xấu. Quan trọng là ta nhìn thấy, nhận biết và chấp nhận tất cả như nó vốn tồn tại như thế. Sống ở đời, cầu toàn quá đôi khi cũng nhọc nhằn lắm.
Những ngày Nam cồ về tôi lại nhớ vô cùng hình ảnh mẹ tôi. Gió cứ níu mẹ tôi với gánh gạo nặng trĩu trên vai ngược đường về nhà. Mẹ cong người cố dấn bước lên còn gió thì gàn dở kéo giật trở lại. Cuộc chiến giữa mẹ tôi và gió chắc là cam go lắm. Tôi biết điều đó vì mặc dù cuối cùng mẹ tôi cũng thắng nhưng mồ hôi thì đẫm ướt cả tấm áo nâu. Gió ngày xưa ở quê có mạnh hơn gió bây giờ hay không tôi không biết nhưng dáng mẹ giữa mùa gió thì cứ luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Mà lạ lắm, thời gian càng kéo tôi đi xa thơ ấu thì những dấu ấn ngày thơ lại càng trở về in đậm hơn trong tâm thức. Thời gian không những không làm phai mờ tất cả mà ngược lại, có những mảng ký ức, cứ mỗi năm lại được tô đậm thêm bằng rất nhiều nét nhớ. Và vì thế, ký ức lại cứ mỗi ngày càng thêm đậm đà, tươi mới hơn.
Gió Nam khiến cho thành phố nhỏ vốn rất bình yên này thêm phần thi vị. Và chỉ là gió thôi cũng đủ gieo vào lòng người bao thương nhớ đầy vơi.