Gia Lai tập trung dập dịch bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, chính quyền địa phương và sự phối hợp của người dân, dịch bạch hầu trên địa bàn 2 huyện Chư Păh và Mang Yang (tỉnh Gia Lai) cơ bản được khống chế.  
Tính đến ngày 27-10, huyện Mang Yang ghi nhận 4 ca bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong ở xã Đak Ta Ley và 3 ca mắc ở xã Hà Ra. Đến nay, 2 xã đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Ông Bùi Văn Sơn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Yang-thông tin: Ngay sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên, ngành chức năng nhanh chóng khoanh vùng, lập các chốt kiểm soát, giám sát dịch bệnh; tiến hành xử lý môi trường, phun thuốc khử khuẩn và tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị dự phòng cho người dân khu vực có ca bệnh. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tăng cường truyền thông để mọi người nắm bắt thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống bệnh.
“Ủy ban nhân dân huyện đã tạm ứng 65 triệu đồng để triển khai phòng-chống dịch bạch hầu. Hiện 2 xã có ca mắc bạch hầu đã hoàn tất công tác khám sàng lọc, điều trị dự phòng và triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân”-ông Sơn cho biết.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng-chống bệnh bạch hầu hiệu quả, lâu dài. Ảnh: Như Nguyện
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng-chống bệnh bạch hầu hiệu quả, lâu dài. Ảnh: Như Nguyện
Từ ngày 3-9 đến 27-10, huyện Chư Păh ghi nhận 9 ca mắc bạch hầu, tập trung tại 7 xã, thị trấn gồm: Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Ia Phí, Ia Khươl, Hòa Phú, Ia Ly và Phú Hòa. Ông Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Păh-cho hay: Do có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và sự phối hợp của người dân nên công tác phòng-chống bệnh được triển khai thuận lợi.
Ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương nơi có ca bệnh nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, lập chốt kiểm soát. Việc phun thuốc tiêu độc khử trùng tiến hành tại các thôn, làng có ca bệnh bạch hầu, trường học, công sở gần khu vực có ca bệnh. Tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị dự phòng và chủ động giám sát các trường hợp nghi ngờ, người tiếp xúc gần, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ để cách ly, điều trị theo quy định.
Ngành Y tế cũng đang triển khai kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân khu vực có dịch. Hiện chỉ còn xã Hòa Phú đang tiếp tục giám sát, 6 xã còn lại đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc bạch hầu mới.
Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pah. Ảnh: Như Nguyện
Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Chư Păh. Ảnh: Như Nguyện
Làng Krái (thị trấn Phú Hòa) ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu. Đến nay, đã qua 14 ngày, địa phương không có thêm ca mắc mới. Ông Huỳnh Tấn Bộ-Chủ tịch UBND thị trấn-chia sẻ: Để công tác phòng-chống dịch bạch hầu đạt hiệu quả, UBND xã triển khai các biện pháp theo hướng dẫn của ngành Y tế. Bên cạnh đó, trong thời gian cách ly khu vực có ca bệnh, chính quyền địa phương vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ lương thực, thực phẩm phục vụ đối tượng thực hiện cách ly.
“Nhìn chung, người dân hợp tác tốt, tự giác đến khám sàng lọc, uống thuốc đúng liều và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không chủ quan, lơ là trong phòng-chống dịch bệnh”-ông Bộ nói. 
Theo Sở Y tế, các ca mắc bạch hầu vẫn có thể xảy ra ở các “vùng lõm” tiêm chủng. Trao đổi với P.V, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động phương án phòng-chống, kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch không để bệnh lây lan; đồng thời tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Hiện tại, bơm kim tiêm dự trữ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phục vụ tiêm chủng mở rộng đã cạn. Trong khi chờ kinh phí tỉnh cấp, Sở Y tế đề nghị các địa phương linh động xử lý kịp thời để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân, đặc biệt là tại các ổ dịch. 
Theo Sở Y tế, từ ngày 3-7 đến 27-10, toàn tỉnh ghi nhận 50 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu (2 trường hợp tử vong). Số ca mắc tập trung tại 21 xã, thị trấn thuộc các huyện: Đak Đoa, Ia Grai. Chư Păh, Mang Yang và TP. Pleiku. Đã có 47 ca được điều trị khỏi, 1 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 20/21 xã đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.