(GLO)- Sáng 8-4, tại UBND tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Gia Lai họp triển khai thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh: Huỳnh Nữ Thu Hà, Kpă Thuyên, Nguyễn Đức Hoàng, Đỗ Tiến Đông cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Đối với địa bàn tỉnh trong thời gian cách ly xã hội có những vấn đề gì đáng chú ý, kể cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, công tác triển khai ở các địa phương, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện |
Xây dựng kịch bản tối ưu nhất để lường trước diễn biến xấu nhất
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai thông tin: Đến ngày 7-4, tổng số trường hợp cách ly y tế lũy tích trên địa bàn tỉnh là 1.086 trường hợp; có 761/1.086 trường hợp cách ly đã qua 14 ngày gồm: 60/144 trường hợp tại cơ sở y tế; 202/395 tại Khu cách ly tập trung và tại nhà, nơi lưu trú là 499/547 trường hợp. Toàn tỉnh đã lấy và chuyển gửi xét nghiệm 832 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi ngờ Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Qua xét nghiệm tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2; trong đó có 258 mẫu âm tính lần 2.
Các khu cách ly y tế tập trung trên toàn tỉnh hiện có 4.085 giường; trong đó, 3.320 giường tại 20 khu cách ly tập trung và 765 giường tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, có 7 khách sạn cam kết chuẩn bị 363 phòng để bố trí cách ly tập trung; trong số này, Khách sạn Hoàng Vũ Biển Hồ được chọn làm nơi cách ly cho cán bộ tham gia chống dịch có tiếp xúc với người bị nhiễm SARS-CoV-2 để cách ly. Tiếp tục mở rộng các điểm cách ly tập trung cho giai đoạn tới tăng lên thành 49 điểm với 7.120 giường cách ly; trong đó, tuyến tỉnh 11 điểm với 2.290 giường, tuyến huyện 38 điểm với 4.830 giường. Ban Chỉ đạo của tỉnh đã ban hành bổ sung Kế hoạch đáp ứng từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 (có 5 cấp độ); thiết lập bệnh viện dã chiến tại địa điểm Khu Điều trị chất lượng cao thuộc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Gia Lai số 132 Tôn Thất Tùng, TP.Pleiku với quy mô 300 giường bệnh.
Ngoài ra, tổng kinh phí dự trù phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trình Trung ương hỗ trợ trên 149 tỷ đồng; trong đó ngành Y tế trên 144 tỷ đồng, UBND tỉnh đã cấp tạm ứng trên 34 tỷ đồng; lực lượng quân đội trên 4,8 tỷ đồng, UBND tỉnh đã cấp 940 triệu đồng.
Ông Mai Xuân Hải- Giám đốc Sở Y tế Gia Lai báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện |
Về việc xây dựng Kế hoạch đáp ứng từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 và thiết lập Bệnh viện dã chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo phải xây dựng các kịch bản tốt nhất, tối ưu nhất để lường các diễn biến xấu nhất. Sở Tài chính, Y tế rà soát bổ sung lại kế hoạch, nhanh chóng mua sắm, trang bị vật tư, trang thiết bị cho các bệnh viện phục vụ công tác phòng, chống dịch; tăng cường nhân lực xét nghiệm làm thế nào để Gia Lai có một phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn không phải chuyển gửi mẫu đi nơi khác. Các lực lượng phát hiện và xử lý nghiêm các vụ buôn bán, vận chuyển vật tư y tế làm giả.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Công tác rà soát, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được triển khai thời gian qua. Bà RCom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Sở đã chỉ đạo rà soát các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh để từ đó có sự hỗ trợ kịp thời. Đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc báo cáo tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 260 doanh nghiệp; có 37 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với số lao động bị ảnh hưởng là 2.533 người; trong đó số lao động chấm dứt Hợp đồng lao đồng là 157 người, ngừng việc là 2.140 và ảnh hưởng khác là 236 người. Sở cũng chỉ đạo thống kê các đối tượng xã hội; các đối tượng yếu thế, khó khăn, người bán vé số trên địa bàn để kịp thời có hỗ trợ giúp các đối tượng.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế- Chủ tịch UBND TP.Pleiku việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố được triển khai kịp thời, tạo thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự chung tay của toàn thể xã hội giúp các đối tượng yếu thế, khó khăn bước đầu vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện |
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; triển khai phòng chống dịch tại các siêu thị, chợ; ông Nguyễn Duy Lộc- Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Gia Lai cho hay: Công tác phòng, chống dịch tại các siêu thị đã thực hiện tốt, tuyên truyền thường xuyên. Tại các chợ, ngay từ cổng vào sẽ triển khai kiểm tra nếu người đến chợ không có khẩu trang thì không được vào chợ. Về thị trường, giá thịt lợn bán tại các chợ vẫn không giảm. Sở Công thương đã làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra nắm tình hình. Nguyên nhân giá xuất thịt lợn tại các lò mổ không giảm dẫn đến giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh vẫn còn neo ở mức cao. Trong thời gian đến, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra tại các lò mổ và tuyên truyền, vận động người dân chia sẻ khó khăn trong thời điểm này.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Trong 1 tuần tổ chức thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại đa số người dân nghiêm túc thực hiện. Các ngành, các cấp khẩn trương vào cuộc, triển khai đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Chúng ta đã kết nối được với các hình thức làm việc trực tuyến, chính quyền điện tử, thuận lợi xử lý công việc tại chỗ. Đây là “thời cơ vàng” để chúng ta đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến công cấp độ 3, 4. Song song với công tác phòng, chống dịch thì cần đẩy mạnh việc điều hành các công tác phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp lại sản xuất; cần tính toán, xây dựng lại một kịch bản để chúng ta tăng tốc sau đó nhằm khôi phục lại sản xuất, phát triển kinh tế. Rà soát tác động của dịch bệnh đến các tầng lớp xã hội để làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Để nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch theo quy định pháp luật; cung cấp ngay các thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt đồng thời răn đe… Đối với các đối tượng từ vùng dịch về cần tuyên truyền cách ly tại nhà theo quy định và giám sát chặt chẽ. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đua xe trái phép. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về cách ly xã hội; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền những mặt tốt đồng thời phê phán mặt trái để các cấp ngành, địa phương nắm bắt, kịp thời xử lý. Công khai minh bạch các quà tặng, vật chất hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Các sở, ban, ngành cần có sự phối hợp thật tốt, nhịp nhàng, đồng lòng, hết sức tích cực, trách nhiệm. “Ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống dịch, chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ kép tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chính phủ lưu ý bất kể tình huống nào cũng không để người dân đói cơm lạc muối”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Như Nguyện