Gia Lai quyết liệt nâng cao chỉ số thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tục trong 2 năm qua, chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) của Gia Lai đều tăng, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Để tiếp tục nâng cao chỉ số TMĐT, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện với chiến lược phát triển lâu dài, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số TMĐT của tỉnh thuộc nhóm trung bình của cả nước.

Các chỉ số thành phần có sự tăng trưởng

Chỉ số TMĐT được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần với trọng số lần lượt là: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin chiếm 20%; giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng chiếm 40%; giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chiếm 40%. Dựa trên những chỉ số sẽ giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ ứng dụng TMĐT, so sánh sự tiến bộ giữa các năm theo từng địa phương. Đồng thời, hỗ trợ việc đánh giá, so sánh giữa các địa phương với nhau.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Năm 2022, chỉ số TMĐT của tỉnh đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021 và 6 bậc so với năm 2020, đạt mức khá so với mặt bằng chung cả nước, xếp thứ 3/5 các tỉnh Tây Nguyên (đứng sau Lâm Đồng và Đak Lak). Điều này cho thấy việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án hữu hiệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo


Qua phân tích cho thấy, 2/3 chỉ số thành phần có sự tăng trưởng so với năm 2021. Cụ thể, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tăng 3 bậc so với năm 2021, đứng thứ 46/63 tỉnh, thành.  Tuy chỉ số này tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Nguyên nhân là do chỉ tiêu tỷ lệ dân số/tên miền quốc gia “.vn” của Gia Lai còn thấp (đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố cả nước). Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp có lao động chuyên trách về TMĐT chiếm tỷ lệ còn thấp.

Năm 2022, chỉ số về giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp của tỉnh tăng 16 bậc so với năm 2021, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ số doanh nghiệp/dân số tại địa phương còn thấp so với các tỉnh lân cận (xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố). Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp, hạn chế về năng lực ngoại ngữ và nhân lực công nghệ thông tin để có thể tham gia các sàn TMĐT của thế giới.

Trong khi đó, chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng do thay đổi cách đánh giá nên chỉ số này đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố (giảm 12 bậc so với năm 2021). Nguyên nhân là toàn tỉnh có 14% số doanh nghiệp xây dựng website TMĐT. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển mảng TMĐT, các website đa số chỉ dừng lại ở chức năng quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thông tin sản phẩm, thiếu các chức năng chuyên sâu cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm, hoàn tất từ khâu đặt hàng cho đến thanh toán, vận chuyển. Mặt khác, cơ cấu mặt hàng trên sàn TMĐT phần lớn là thời trang, thực phẩm, đồ uống... còn những mặt hàng nông sản chủ lực tại địa phương như: cà phê, tiêu, hạt điều, mắc ca, mật ong... lại chiếm tỷ trọng nhỏ.

Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số TMĐT

Bà Lại Việt Anh-Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: Việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thay đổi xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp đã mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển. Những mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương trước đây rất ít giao dịch trong TMĐT thì nay đã được đưa lên các sàn, giúp kết nối cung cầu một cách nhanh nhất. Vấn đề là chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa như thế nào, xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu.

 

Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm khoảng 10,5-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2021-2030 có trên 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn TMĐT trong và ngoài nước.

Còn ông Võ Văn Khanh-đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì cho rằng: Trước mắt, tỉnh Gia Lai cần nhấn mạnh vào 4 nhóm gồm: sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản chủ lực và sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Phải hỗ trợ đưa sản phẩm ra được thị trường thì mới có giá trị tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ đều yếu về nguồn lực như: tài chính, nhân sự vận hành. Do đó, cần xây dựng lộ trình bài bản để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về các giải pháp nâng cao chỉ số TMĐT với mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu thuộc nhóm trung bình của cả nước, ông Phạm Văn Binh cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung nâng cao cả 3 chỉ số thành phần, trong đó chú trọng chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, tập trung nâng cao các chỉ tiêu như tỷ lệ dân số/tên miền quốc gia “.vn” theo địa phương; mức độ tham gia các nền tảng cung cấp giải pháp kinh doanh trực tuyến của địa phương; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các giải pháp kinh doanh trực tuyến và tham gia các sàn TMĐT hàng đầu thế giới; khả năng đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực TMĐT; doanh nghiệp tham gia bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT...

Để làm được điều này, theo ông Binh, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm phát triển TMĐT-Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề theo các ngành hàng thế mạnh của tỉnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, kỹ năng, thao tác trên môi trường trực tuyến. Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng website TMĐT, phần mềm ứng dụng TMĐT với đầy đủ các tính năng. Đồng thời, phối hợp với đại diện của các tập đoàn TMĐT uy tín thế giới như Amazon Việt Nam, Alibaba Việt Nam tổ chức hội thảo hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ quan quản lý thuế, tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, thanh toán không dùng tiền mặt.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm